Vịt quay Bắc Kinh
Vịt quay Bắc Kinh là món ăn trứ danh của vùng Đông Bắc Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh. Vịt được tẩm ướp gia vị, nhồi hương liệu thảo mộc rồi quay trong lò lửa. Khi chín, vịt có vỏ giòn vàng sẫm, thịt mềm, béo, thơm ngậy đặc trưng. Món ăn này được cho là xuất hiện từ thời nhà Nguyên (1206-1368) và rất được các bậc vua chúa yêu thích.Ảnh: Crossingtravel.
Mì trường thọ
Vào dịp năm mới, sinh nhật hoặc mừng thọ, người Trung Quốc thường ăn một bát mì trường thọ với mong muốn sống khỏe mạnh, dài lâu. Món mì trường thọ không chỉ ngon và có ý nghĩa, mà còn đặc biệt bởi lẽ một bát mì chỉ có duy nhất một sợi rất dài. Món này ăn kèm cùng thịt vịt quay, thịt xá xíu hoặc tôm sú. Ảnh: Taste Buds Kitchen.
Đậu sốt Tứ Xuyên
Do đặc điểm địa hình nên ẩm thực ở vùng Tứ Xuyên thường có vị cay, nổi danh nhất là món đậu sốt Tứ Xuyên. Món ăn này rất bình dân và chế biến đơn giản. Nguyên liệu chỉ là đậu phụ non, mộc nhĩ, nấm hương,thịt băm, hành lá xào cùng ớt cay. Hương vị cay nồng của ớt quyện vào vị béo ngậy của đậu non, thơm của hành nấm lại có sức hấp dẫn mạnh, khiến nó có vị trí đặc biệt trong danh sách các món ăn nổi danh Trung Quốc. Ảnh: Titillated Tastebuds.
Cơm chiên Dương Châu
Đây là món cơm chiên lẫn xá xíu, tôm, lạp xưởng, trứng, đậu Hà lan, cà rốt. Món cơm chiên Dương Châu có từ thời nhà Thanh, ngày nay nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới và có mặt ở trong hầu hết nhà hàng Trung Quốc. Ảnh: Themeatmen.
Gà ăn mày
Gà ăn mày là cách gọi khác của món gà nướng đất sét. Cái tên "gà ăn mày" xuất phát từ câu chuyện truyền miệng về sự ra đời của món ăn. Theo câu chuyện, một gã ăn mày ăn trộm con gà. Khi người này đang nhóm lửa thì phát hiện nhà vua và binh lính đi về phía mình nên bọc gà trong lá sen, phủ thêm lớp bùn bên ngoài rồi ném vào đống lửa. Sự tình cờ này đã tạo nên món ăn ngon miệng có cách chế biến độc đáo. Ngày nay, du khách có thể thưởng thức món ăn này trong các nhà hàng hoặc dễ dàng tìm mua được gà nướng sẵn, còn nguyên bọc đất sét tại nhiều khu chợ ẩm thực ở Trung Quốc. Ảnh: Food Beyond Hope.
Bún qua cầu
Tỉnh Vân Nam ở tây nam của Trung Quốc từ lâu nổi danh với những bàn ăn thịnh soạn. Giữa những món cầu kỳ như trâu khô xào, gà hấp nồi hay thịt kho Tuyên Uy, bún qua cầu có một vị trí riêng. Món ăn đơn giản nhưng ẩn chứa câu chuyện về tình yêu, nghĩa vợ chồng sâu sắc. Bún qua cầu được làm bởi các nguyên liệu chính như thịt gà, thịt lợn, mực, đậu phụ, nấm, hành, hẹ, bún, trứng chim cút, hành tây, rau cải, đu đủ, cà rốt cùng các gia vị như nước tương, muối, gừng, tỏi... Cách ăn theo một trình tự nhất định cũng góp phần quyết định độ thơm ngon của món bún nổi tiếng này. Ảnh: 126.
Trứng nghìn năm
Trứng nghìn năm (trứng thế kỷ, trứng bách nhật, trứng bắc thảo) được một nông dân ở thời nhà Minh phát hiện tình cờ khi đi ra đồng. Quả trứng được bảo quản nguyên vẹn dưới lớp bùn lầy và vôi, trấu. Sau vài tháng, lòng đỏ sẽ trở thành màu xanh lục đậm, xám, có vị của kem pha lẫn mùi lưu huỳnh và amoniac. Lòng trắng trở thành màu cam, hoặc nâu đậm, trong mờ giống thạch và có vị hơi mặn. Khi xưa, món ăn này thường được dâng lên vua chúa hoặc chỉ được dùng trong dịp năm mới, lễ hội hoặc đãi khách quý. Ngày nay trứng nghìn năm là món ăn phổ biến cùng cháo trong bữa sáng. Ảnh: The Spruce.
Đậu phụ thối
Đậu phụ thối là món ăn bình dân, được làm từ đậu phụ lên men khá nặng mùi. Món ăn này được người bán đậu phụ tên Vương Trí Hòa ở thời vua Khang Hi sáng tạo nên. Đậu phụ thối có mùi khó ngửi nên chủ yếu được bày bán ngoài đường phố. Ảnh: Alchetron.
Phật nhảy tường
Món súp vi cá mập nổi danh ở Phúc Kiến và là cao lương mỹ vị thời nhà Thanh nhờ hương vị của gần 30 nguyên liệu khác nhau như bào ngư, vi cá, hải sản cùng cách chế biến cầu kỳ. Món súp Phật nhảy tường cũng xuất hiện ở Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam với nhiều biến tấu khác nhau. Ảnh: Douguo.
Thịt kho Đông Pha
Nói đến ẩm thực Trung Hoa, không thể thiếu được thịt kho Đông Pha, món ăn trứ danh được đặt theo tên của nhà thơ, học giả nổi tiếng Tô Đông Pha sống ở thời Bắc Tống. Để nấu món thịt kho này, người ta chọn thịt ba chỉ cắt miếng vuông, ướp cùng nước tương, rượu Thiệu Hưng, xì dầu và nhiều gia vị khác. Sau đó, miếng thịt được đem chiên sơ qua rồi kho nhỏ lửa đến khi mềm nhừ. Việc chiên trước giúp các thớ thịt không bị vỡ khi chín. Thịt kho Đông Pha ăn cùng cơm và rau cải luộc. Ảnh: Maifood.
Theo zing.vn
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật