Cổ trấn Tây Đường trong những ngày thanh vắng - Ảnh: Trùng DươngCách Thượng Hải không quá một giờ xe, Tây Đường khá "kén” trong lộ trình du ngoạn "Paris của châu Á”, nhưng sớm khẳng định vị thế trong tam giác địa danh nổi tiếng Tô Châu, Hàng Châu và Thượng Hải.
Đi tìm cái "độc đáo” của Tây Đường…
Phần lớn du khách không "ra - vào” Tây Đường bằng cửa chính, phụ ở phía đầu - cuối dãy nhà hiện đại, mà xuyên qua vài con hẻm rộng không quá hai vai người, nằm lọt thỏm giữa dãy nhà ấy.
Tôi gọi những hẻm sâu hun hút, lát đá ở Tây Đường là các "giao lộ thời gian”, bởi đầu mút của chúng là hai thế giới hoàn toàn đối lập, cách nhau tận nghìn năm. Để khi chạm mở cánh cửa "thời gian” ở cuối hẻm, mọi thứ như chuyển đổi trong vài khắc, đưa du khách lạc vào khung cảnh xưa cũ vốn chỉ thấy từ thời Xuân Thu chiến quốc.
Ngồi thuyền dạo Tây Đường là một cái thú - Ảnh: Trùng DươngDo được xây dựng từ thời Xuân thu loạn lạc, hệ thống các con hẻm của Tây Đường được thu hẹp một cách tối đa - Ảnh: Trùng DươngLối đi bên trong khu phố, nơi buôn bán của nhiều hàng quán thức ăn, tạp phẩm… - Ảnh: Trùng DươngTây Đường là một trong những trấn cổ trên nước hiếm hoi còn sót lại của Trung Quốc, nằm vắt vẻo trên 9 con sông có màu xanh lục bích cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt. Không chỉ vậy, nơi đây còn nổi danh bởi hệ thống mái hiên nghìn tuổi, được thiết kế âm dương "độc nhất vô nhị”.
Nói đến vị thế địa lý, Tây Đường khá đặc biệt so với vùng lân cận khác. Do nằm ven dòng Trường Giang nổi tiếng, phân lưu con sông chảy xuyên nhiều chiều, chia cổ trấn thành tám khu vực khác nhau, vì vậy từ xưa Tây Đường mệnh danh vùng đất "bốn mặt nước tụ về, tám mặt hướng đón gió” - thể hiện tính phong vận "độc đáo” của vùng.
Cổ trấn còn nhiều cái mê hoặc du khách, từ cuộc sống bình dị của cư dân ở đây đến những khu vườn tư gia điển hình Giang Nam, nhỏ nhưng đầy tinh xảo, công phu. Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm một số bào tàng trưng bày đồ gỗ nội thất có từ thời Minh Thanh hay bảo tàng rượu Hoàng tửu trứ danh được chưng cất và bảo quản từ lâu đời.
Tây Đường ven sông
Ven hai bờ sông là các ngôi nhà ở cổ kính có kiến trúc na ná nhau, thi thoảng thêm vài rặng liễu đìu hiu soi mình xuống dòng kênh xanh thẳm, quyện vào làn sương mỏng manh… khiến ký ức của tôi về Tây Đường càng thêm mờ ảo. Nhưng đó mãi là cảnh tượng nguyên sơ, chân thực nhất của miền cổ trấn sông nước này.
Biết bao năm qua, con người nơi đây đã bao lần đổi thay, nhưng hình ảnh ấy vẫn thế - vẫn những ngôi nhà cũ, điểm tô vài cánh cửa sổ hé mở trên hiên, "kể lại” câu chuyện nghìn năm không đổi của cổ trấn: bình yên, trữ tình.
Ngồi thuyền dạo Tây Đường là một cái thú - Ảnh: Trùng Dương Dãy hành lang ven sông ở Tây Đường là một trong những phân cảnh quan trọng trong phim Nhiệm vụ bất khả thi 3 - Ảnh: Trùng Dương Một góc Tây Đường thơ mộng - Ảnh: Trùng DươngMột cây cầu điển hình ở Tây Đường trong số 104 cây cầu lớn nhỏ tại đây - Ảnh: Trùng DươngNgồi trên thuyền du ngoạn cổ trấn, hình ảnh dãy hành lang nghìn mét dài hun hút phía hai bên sông cứ thế hiển hiện. Kiểu hành lang ấy đâu đâu cũng thể bắt gặp ở Giang Nam, nhưng riêng tại cổ trấn này nó trở nên đặc biệt và thu hút người ta hơn thảy.
Với hệ thống mái che, hiên trước phố được nối dài và thêm trụ đỡ tạo nên nét riêng cho Tây Đường, đây cũng là nơi thích hợp để du khách hóng mát, chuyện trò.
Tây Đường có đến khoảng 104 cây cầu với nhiều dáng vẻ, kích cỡ nằm dọc ngang trong cổ trấn, bắt nhịp hai bờ "xa lạ”.
Đứng trên cầu nhìn Tây Đường lên đèn cũng là cái thú. Người đứng trên cầu và cả người ngồi dưới thuyền như tôi sẽ lướt qua nhau và nhạt nhòa trong ký ức. Chỉ mỗi cây cầu sẽ mãi như thế, ngàn năm không đổi dù đã chuyên chở "ký ức” bao người qua lại.
Đêm Tây Đường
Khoảng năm giờ chiều, Tây Đường đã thấp thoáng lên đèn. Những hoa đăng bồng bềnh trôi lững lờ trên dòng kênh xanh đậm bị ngả màu dưới cái ánh nắng heo hắt của hoàng hôn.
Những chiếc lồng đèn đỏ treo cao ở dọc hành lang hay phía đầu các con hẻm cũng lên đèn, hắt ánh sáng xuống làn đường tấp nập du khách. Những quán ăn bên đường sôi động hơn, với nhiều món ăn ngon bắt mắt như đậu hủ thúi, giò heo kho…
Tại một số quán ăn lớn ven sông, du khách có thể vừa ăn vừa thưởng thức Hý khúc Giang Nam truyền thống.
Tây Đường lên đèn lung linh huyền ảo - Ảnh: Trùng DươngPhố cổ lung linh trong ánh đèn lồng - Ảnh: Trùng DươngMột số món ăn hấp dẫn tại Tây Đường như đậu hủ thúi, thịt heo xào đậu - Ảnh: Trùng DươngNhưng chỉ kéo dài trong độ vài tiếng ngắn ngủi, khoảng chừng 10g tối, Tây Đường trở nên yên tĩnh đến lạ kỳ.
Ngồi nhâm nhi tách trà nóng tại quán ven sông, có thể nghe rõ tiếng khua nước của mái chèo, tiếng gió rít qua từng kẽ lá… Thậm chí chỉ một giọt nước khẽ rơi xuống dòng kênh cũng đủ khiến ai đó chạnh lòng.
Nhìn dòng người ngược xuôi qua lại giữa màn đêm tĩnh mịch, có lẽ bốn ngày ở cổ trấn này vẫn chưa đủ với tôi.
Vội vã "chôn” một phần ký ức của mình tại đây, khi quay người Tây Đường có thể quên mất tôi là ai, nhưng riêng tôi sẽ luôn nhớ về một Tây Đường cổ kính, bình yên đến tuyệt vời.
TRÙNG DƯƠNG