Nhiều người sành ăn món Hoa ở Sài Gòn không ai không biết đến quán hủ tiếu Nam Lợi nằm trên con đường Tôn Thất Đạm (quận 1). Quán có thâm niên 60 năm, chủ quán là người Việt gốc Hoa sống ở thành phố lâu năm, chính vì thế hương vị của tô hủ tiếu là sự hòa trộn những tinh hoa ẩm thực Việt và Hoa.
Không gian ở quán Nam Lợi không quá lớn, được trang trí đơn giản bởi những chiếc bàn gỗ và những câu đối tiếng Hoa trên tường tạo không gian như trong một quán ăn ở Trung Quốc thực thụ.
Hủ tiếu cá Nam Lợi là sự hòa trộn những tinh hoa ẩm thực Việt và Hoa
Không giống như sợi hủ tiếu thường thấy, cọng hủ tiếu ở đây mềm như bánh phở, to gấp đôi. Tuy nhiên, khi ăn bạn sẽ không thấy ngán bởi người chế biến cho một lượng bánh rất vừa phải vào bát. Nước lèo ngọt thanh, đậm đà đặc trưng được nấu từ cá và xương ống tủy heo, mang hương vị khác biệt khó quên.
Đa phần khách đến đây đều chuộng hủ tiếu cá. Nhưng nếu muốn đổi khẩu vị bạn có thể gọi hủ tiếu gà cũng lạ miệng không kém, hoặc nếu thích bạn có thể gọi cả cá lẫn gà. Quán mở cửa từ 6h đến 12h và từ 14h đến 21h. Giá cho một phần hủ tiếu cá hoặc gà là 70.000 đồng.
Ẩn mình sau những ki-ốt trong chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm (quận 1), quán cơm thố Chuyên Ký có thâm niên hơn 60 năm và là điểm đến quen thuộc của những thực khách mê món ăn này. Về nguồn gốc, món cơm thố, phát âm là “chung phàn” (chung là cái thố, phàn là cơm) do người Hoa gốc Quảng Đông đem đến.
Gà ác hầm thuốc Bắc với phần thuốc Bắc được gia giảm theo công thức riêng mang đến hương vị khác hẳn. Ngoài những món ăn quen thuộc như sườn xào chua ngọt, bò xào các loại, dồi trường, cật heo chiên, xào, các món từ thịt gà, cá, tôm, heo, cua, mực, các món tiềm, canh... quán còn nổi danh với các món gà ác tiềm thuốc Bắc, sườn xào chua ngọt. Trong đó nổi bật nhất là món hầm vĩ chưng hột vịt, hầm vĩ chưng dấm đường...
Quán mở cửa từ 11h trưa đến 10h tối, giá cơm thố 3.000 đồng/thố, gà ác tiềm thuốc Bắc 50.000 đồng/phần, sườn xào chua ngọt 80.000 đồng/dĩa, hầm vĩ chưng hột vịt 60.000 đồng/phần.
Theo lời kể lại của nhiều người sống lâu năm ở thành phố thì đây là một trong những nơi bán bánh mì thịt đầu tiên ở Sài Gòn. Quán đã có thâm niên 50 năm, bạn sẽ không khó để tìm đến tiệm bánh mì trong góc hẻm nhỏ nằm trên đường Cao Thắng (quận 3).
Thực khách luôn thích thú với chiếc chảo nhỏ ngút khói dọn ra bắt mắt cùng màu vàng của trứng, màu nâu của miếng thịt nguội, chả cá. Bên cạnh đó là chén đồ chua tươi mát kèm thêm ổ bánh mì giòn làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn.
Bánh mì chảo là món ăn được nhiều người ưa thích, trong đó có bánh mì Hòa Mã
Đối với nhiều người, bánh mì là thức ăn nhanh, rất thích hợp với nhịp sống vội vã ở đất Sài Gòn. Nhưng ngồi ở góc bánh mì Hòa Mã này, bạn vẫn có thể cảm nhận được sự chậm rãi của thời gian.
Không gian của quán không được bề thế, tấm bảng hiệu đã nhuốm màu thời gian nhưng không vì thế mà chất lượng bánh mì mất đi. Hương vị vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu, gây ấn tượng với nhiều thực khách từng đến quán.
Tọa lạc trên đường Minh Phụng (quận 11), tiệm mì “cải chua” - người dân ở đây gọi quán tên như thế vì do cách ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt có thâm niên hơn 50 năm.
Dù được một gia đình người Hoa gốc Triều Châu nấu, nhưng món mì ở đây đã có thay đổi đôi chút so với cách truyền thống. Cụ thể mì không có nhân thịt bằm, phần cải chua được "cải biên", từ nồi nước lèo hầm cải chua thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá miền Nam.
Món thú vị nhất tại đây là mì thập cẩm (khô hay nước đều rất ngon). Riêng với tô khô, phần "đạm" gồm tôm, mực, cá viên, thịt heo, phèo, gan, cật... được cho vào một chén riêng để giữ nóng. Quán bán từ 6h sáng đến 12h trưa.
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật