Nằm gần cuối hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM, Làng Ngói Đá là điểm đến yêu thích của giới trẻ và dân văn phòng gần đó.
Trong những món nướng trên đá muối Himalaya, thịt bò, heo, gà, cá, tôm, bạch tuộc... đều không được tẩm ướp gia vị.
Anh Tú, chủ quán chia sẻ, sau khi thưởng thức món nướng theo cách này tại Nhật, anh ghiền và quyết tâm mang về giới thiệu cho thực khách. "Tưởng đơn giản nhưng phải hơn 6 tháng, mình mới tìm ra bí quyết để khi nướng, đĩa đá muối này không bị bể".
Anh cũng cho biết, mỗi ngày, mỗi thớt chỉ được nướng một lần. Hôm nào đông khách, các thớt đều đã sử dụng, anh phải cáo lỗi với khách chứ nhất định không phục vụ vì món ăn sẽ rất mặn.
Các loại rau xanh, thơm, dưa leo cùng hai loại nước sốt đặc chế từ chanh dây, cà chua được dùng kèm món ăn để khắc chế vị mặn.
Một món được yêu thích không kém nướng đá muối là tôm sú tái chanh. Tên như thế nhưng phần ăn sẽ có một phần chín và một phần sống.
Phần sống là tôm sú làm sạch, lột vỏ, bỏ đầu, bỏ chỉ đen, ngâm trong nước cốt chanh vài phút cho chín tái, sau đó, ngâm tiếp vào hỗn hợp dấm, hành tây chua ngọt, ớt và ngò gai. Sơ chế kỹ nên món tôm này tươi ngon, giòn sần sật, đã miệng và hợp vị với cả những người không ăn được đồ sống.
Phần chín là đầu tôm nhúng muối chiên nên giòn thơm, béo đậm.
Nếu đi hai người mà muốn món nước và món nướng, lựa chọn thích hợp cho bạn là set lẩu nướng.
Với thiết kế cạn của phần chứa nước dùng, nhiều thực khách gọi đây là món lẩu sôi trong 30 giây.
Điểm thú vị của món ăn này là mâm nướng được thiết kế bên trong nồi, nên nước dùng sẽhấp thụ phần ngọt của thịt, cá trong quá trình nướng.
Bạn cũng có thể tăng thêm vị ngọt cho nước lẩu bằng trứng. Có hai cách cho trứng vào nồi lẩu. Một là đập trứng làm đôi, hai là dùng đũa chọc thành đường thẳng trong trứng, rồi rải đều khắp nồi nước dùng.
Món lẩu này có hai loại nước dùng là nước xương hầm và lẩu Thái. Bạn có thể chọn theo sở thích và khẩu vị của mình.
Bài và Ảnh: Huỳnh Hằng