Men theo quốc lộ 32 đường lên huyện Mù Cang Chải, dừng chân tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái là tới xã Tú Lệ - vùng đất nổi tiếng với món xôi nếp dẻo thơm. Có rất nhiều món ăn được chế biến từ món nếp này như cơm lam, cốm dẻo, xôi nếp ngũ sắc...
Món xôi ngũ sắc đồ từ gạo nếp Tú Lệ
Gạo nếp Tú Lệ vốn là sản phẩm nông nghiệp từ bao đời nay của đồng bào người Thái dưới chân đèo Khau Phạ, nhưng được coi là "sản vật trời ban" cho mảnh đất vùng cao bởi không phải nơi nào cũng có.
Loại gạo nếp thơm ngon nhất được trồng ở Bản Côm và Nà Lóng, có những đặc điểm khác với nếp nhiều vùng. Hạt tròn mẩy trắng trong chứ không dài và đục như nếp thường. Khi đồ thành xôi, dùng tay nắm thành miếng nhỏ nhưng hạt gạo không quyện nhựa và dính tay như một số loại khác.
Còn nếu có dịp tới Tú Lệ vào độ tháng 10 hàng năm là thời điểm người dân gặt lúa sớm làm cốm. Đó là thứ cốm được bà con dân tộc Thái làm thủ công, dẻo thơm đặc biệt không kém gì cốm làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.
Vùng đất Lục Yên không chỉ nổi tiếng với đá quý, còn có thứ khoai môn tím ngon có tiếng. Thứ khoai này có màu tím lạ mắt từ vỏ đến ruột, có độ bùi, vị béo - dẻo, hương vị đậm đà.
Khoai môn tím của vùng đất Lục Yên
Từng được coi là nguồn lương thực cứu đói cho nhiều hộ dân trong huyện, nhưng ngày nay, khi đời sống người dân khấm khá hơn, khoai môn tím vẫn xuất hiện trong bữa cơm thường nhật của gia đình, là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon, từ chè khoai môn, khoai môn rán, cho tới canh khoai hầm xương...
Dọc theo mảnh đất hình chữ S, món xôi ở vùng nào cũng có. Nhưng bà con người Tày, Dao, Thái ở Yên Bái lại có cách kết hợp lạ miệng - xôi với trứng kiến để tạo thành món đặc sản ăn một lần nhớ mãi.
Xôi ăn cùng trứng kiến là đặc sản ăn một lần nhớ mãi
"Hồn cốt" của món xôi trứng kiến là những miếng trứng kiến đen quyện cùng xôi nếp nương Mù Cang Chải. Theo lệ độ tháng 2- 3 âm lịch hàng năm, trứng kiến vào mùa cũng là lúc bà con vào rừng. Những tổ kiến đen to như mũ cối, chỉ cần gõ nhẹ cho kiến chạy hết rồi vỗ để trứng kiến rơi xuống. Những hạt trứng căng mẩy như gạo tám xoan có màu trắng đục, tỏa mùi thơm đặc trưng.
Chế biến trứng kiến cũng lắm công phu, phải đãi nhẹ với nước ấm loại bỏ tạp chất, rửa sạch để ráo rồi ướp cùng gia vị như vỏ dổi, lá thơm. Sau rồi, người ta lấy lá dong gói trứng kiến nướng trên than hoa cho thơm nức mũi.
Ở công đoạn cuối cùng, trứng kiến được đảo nhẹ đều tay với chõ xôi nếp nương vừa đồ xong còn nóng hổi. Cái béo ngậy, dẻo bùi của món ngon thưởng thức vào những ngày đầu xuân lạnh giá, đố ai nỡ chối từ!
Khi mùa bọ xít nhãn kết thúc, người dân Mường Lò lại lục đục chuẩn bị đi bắt dế mèn - loài côn trùng được tôn lên hàng đặc sản với cách chế biến thành vô số món ngon: từ rán giòn, nướng, rang muối cho tới kho tiêu...
Đằng sau món ngon khoái khẩu là cả một quá trình công phu như bắt dế, chọn nguyên liệu, cách sơ chế và nấu nướng.
Dế mèn rán giòn
Tháng 7 âm lịch bước vào tháng ngâu cũng là lúc những con dế mèn bóng bẩy mập mạp. Khi đi bắt, người ta phải đào hang, đổ nước chờ dế chui ra ngoài rồi tóm gọn.
Dế mang về còn khỏe mạnh nên phải ngâm trong nước muối loãng làm sạch. Tiếp đó sẽ cắt bỏ chân có gai nhọn, bỏ ruột và túi hôi. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm, nếu không sẽ làm nát. Dế được rửa lại bằng nước măng chua hoặc nước sôi, để ráo rồi mới chế biến theo các món tùy ý.
Nếu chiên giòn, đĩa dế có màu vàng bóng, vị giòn tan trong miệng lẫn chút bùi béo và mùi thơm lừng. Nhấm nháp con dế, nhâm nhi cùng chút rượu ấm bụng, cuộc vui cứ lai rai kéo dài.
Thịt trâu gác bếp xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp mảnh đất vùng cao Tây Bắc, nhưng ở Yên Bái vẫn có hương vị riêng.
Đó là món đặc sản của người Thái đen, với nguyên liệu làm từ phần thịt bắp của những con trâu thả rông trên đồi. Thịt được tẩm ướp cùng gừng, ớt và không thể thiếu loại hạt tiêu rừng - mắc khén, rồi gác lên bếp, được "hun chín" nhờ ám khói.
Đây cũng là món quà lý tưởng khi du khách tới Yên Bái muốn mua chút gì đó về nhà cho người thân, bạn bè.
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật