Du lịch khắp nơi - DULICHKHAPNOI.VN

Khám phá tục lệ mai táng độc nhất vô nhị của người Toraja

30/10/2015

Hàng ngàn năm nay trên đất nước vạn đảo Indonesia vẫn còn lưu giữ nhiều tập tục xưa, trong đó tục lệ mai táng người chết vô cùng lạ lùng, độc đáo, thậm chí cực kỳ lạc hậu.


Những hình nộm trước ngôi mộ - Ảnh: Amusing

Đó chính là bộ tộc Toraja, sinh sống trong một thung lũng đẹp như tranh vẽ Londa, nằm cách trung tâm tỉnh Sulawesi, Indonesia 300km về phía nam đảo Sulawesi.

Dân số Toraja vào khoảng 650.000 người, trong đó 450.000 người vẫn đang sống trong Tana Toraja (lãnh địa của người Toraja), nằm tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Tuy ở đây có sự pha trộn nhiều tôn giáo khác nhau, phần lớn là Kitô giáo, một số là Hồi giáo... nhưng thế giới quan của họ đều hướng về những thực thể tâm linh, thậm chí vô tri vô giác.

Đối với người Toraja, sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời không phải khi chào đời, ngày sinh nhật hay lễ thành hôn, mà đó chính là cái chết.

Họ xem cái chết như là cách để bước vào thiên đường, tìm một thế giới mới giàu có hơn và tốt hơn thế giới hiện tại, vì thế họ rất coi trọng các nghi thức tang lễ.

Chôn trẻ sơ sinh chết yểu vào thân cây, lễ diễu hành của những xác ướp... có thể nói đây là những nghi lễ phức tạp, kỳ dị nhất thế giới mà chỉ ở tộc người Toraja mới có.


Những xác chết được chôn cất trên các vách đá của ngọn núi - Ảnh: Amusing


Trẻ sơ sinh được chôn trên các thân cây - Ảnh: Amusing


Những quan tài được treo lủng lẳng trên vách đá - Ảnh: odditycentral

Với người Toraja, tang lễ là sự kiện quan trọng để kết nối toàn bộ các thành viên trong gia đình và là dịp cho tất cả dân làng củng cố niềm tin vào truyền thống của tổ tiên.

Khi có một người Toraja mất đi, một loạt nghi lễ sẽ được tiến hành trong nhiều ngày gọi là Rambu Soloq. Nhưng tang lễ không diễn ra ngay lập tức, vì một gia đình thường không đủ ngân quỹ cần thiết để trang trải chi phí.

Họ chờ qua vài tuần, vài tháng, thậm chí nhiều năm để gây quỹ cho đến khi đủ tiền. Nhiều gia đình lún sâu vào cảnh nợ nần để tổ chức một lễ an táng, thậm chí phải hoãn hay hủy việc cưới xin nếu trong gia đình đó có người già yếu hay đang ở tình trạng "gần đất xa trời".

Trong thời gian này, thi thể của người chết được lưu giữ ngay tại nhà và chỉ được coi là đang bị bệnh hay đang ngủ chứ chưa thật sự chết.


Khi chết đi, một loạt nghi lễ sẽ được tiến hành trong nhiều ngày - Ảnh: odditycentral


Một trong những kiểu dáng hình nộm được đặt bên ngôi mộ người chết - Ảnh: Amusing


Qua thời gian, những quan tài mục nát khiến xương, sọ người rơi ra ngoài - Ảnh: Indonesia.travel

Sau khi có đủ tiền, các nghi lễ có thể tiến hành. Đầu tiên, họ tổ chức giết mổ hàng chục con trâu và hàng trăm con lợn để cúng lễ. Nhưng trước khi bị giết thịt, theo tục lệ, các con vật này sẽ phải tham gia một cuộc đấu gọi là Tedong silaga.

Sau khi bị giết, thịt các con vật được chia cho những người khách đến dự tang lễ và linh hồn của người quá cố cũng được hưởng một phần thịt gọi là Aluk Todolo.


Hàng chục trâu, bò…được giết mổ để cúng tế thần linh trong lễ mai táng - Ảnh: Travelpod

Khách du lịch cũng có thể tham dự tang lễ miễn là họ không được mặc trang phục màu đen hoặc đỏ.

Về việc mai táng, người Toraja rất ít khi được chôn cất trong lòng đất. Thi thể người chết thường được đặt trong hang đá hay trong các quan tài bằng gỗ treo lơ lửng trên những vách đá. Do vậy, để xây dựng một ngôi mộ thường rất tốn kém và mất đến vài tháng để hoàn thành.

Đặc biệt, trước mỗi ngôi mộ đều có một hình nộm gỗ chạm khắc chân dung của người chết gọi là tau tau. Thật không may, rất nhiều hình nộm tau tau đã bị đánh cắp để bán cho khách du lịch nên hiện nay nhiều gia đình Toraja đã giữ chúng trong nhà.


Nghi thức khiêng các quan tài đến khu vực an táng - Ảnh: Travelpod


Buổi lễ diễn ra trong không khí vui tươi, nhiều người còn đến chúc nhau… - Ảnh: Travelpod

Lemo là khu vực có nhiều ngôi mộ nằm trong hang đá nhất. Còn Ke'te kesu' là nơi có nhiều quan tài treo lơ lửng. Các quan tài được trang trí đẹp mắt, nhưng theo thời gian gỗ bắt đầu mục nát và xương người chết có thể rơi ra ngoài.

Trẻ em nếu chết trước khi mọc răng không được chôn trong các hang động hoặc treo trên vách đá mà được chôn bên trong các thân cây. Thi thể đứa trẻ được bọc vải và đặt vào một lỗ khoét trên thân cây đang lớn, bịt kín lại bằng một cánh cửa làm từ thân cây cọ.

Người dân tin rằng xác đứa trẻ sẽ được cây hấp thụ và đây là nhà của linh hồn chúng. Trên một thân cây có thể có đến hàng chục đứa trẻ được an táng.

Dù các ngôi mộ được xây cất, nhưng các nghi thức vẫn còn tiếp diễn dài và đầy phức tạp. Mỗi năm vào tháng 8, một nghi lễ gọi là Ma'Nene sẽ diễn ra, xác của người chết sẽ được đào lên được rửa sạch và mặc quần áo mới.

Sau đó, những xác ướp này sẽ được các thành viên trong gia đình rước đi vòng quanh ngôi làng giống như những thây ma di động. Thời gian tiến hành nghi lễ này kéo dài trong ba ngày.


Thây ma được đào lên rửa sạch và trang điểm cho đẹp - Ảnh: Amusing


Các thây ma được gia đình mặc áo mới - Ảnh: Amusing

Điều kỳ diệu là những thây ma này có thể đứng dậy được, di chuyển quanh làng và tự tìm cách về nhà của họ như còn đang sống.

Người Toraja tin rằng người chết vẫn còn tồn tại, họ quay về để gặp lại người thân, họ hàng và việc này giúp họ giao tiếp với thế giới bên ngoài, thậm chí cả khi đã chết hàng trăm năm. Do đó, người dân thường hay mời các pháp sư đến để gọi linh hồn và khiến những xác chết này phải sống lại.

Những vị pháp sư có thể làm một cái xác chết nằm bất động trong quan tài có thể đứng dậy di chuyển khắp nơi bằng chính những lời khấn cầu, văn tế…

Và hành động đào mộ của con cháu trong gia đình sẽ không được trách phạt, vì đây là tục lệ truyền thống chung của cả làng. Đặc biệt, khi xác chết đứng dậy tìm đường về nhà, lỡ may có người nói chuyện với thây ma, nó sẽ ngã xuống và không thể đứng dậy được nữa.


Thây ma được các pháp sư gọi hồn đứng dậy tìm đường về nhà - Ảnh: Dailygrai.

Dù nghi thức này rất phổ biến ở Indonesia, nhưng hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng về hành động của pháp sư khiến các thây ma đứng dậy và tự tìm đường về nhà.

Nghi lễ an táng đặc biệt của người Toraja hiện thu hút hàng ngàn khách du lịch và các nhà nhân chủng học tới hòn đảo này mỗi năm. Và kể từ năm 1984, Tana Toraja đã được biết đến như là điểm đến thu hút du lịch thứ hai sau Bali do Bộ Du lịch Indonesia công bố.

Người Toraja rất tự hào về điều này vì nó giúp bảo tồn nền văn hóa truyền thống của họ thay vì bị thay thế bởi nền văn minh hiện đại bên ngoài.

XUÂN LỘC (Theo Amusing, Ancient - origins, odditycentral)
Theo tuoitre.vn

Tag:

Viết bình luận:

Indonesia