Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nằm giữa vùng biển rộng lớn, bốn bề sóng nước mênh mông. Chuyến phà đưa du khách đến với địa phương là nơi sinh sống của hơn 2.000 hộ dân, với khoảng hơn 8.000 nhân khẩu. Tam Hải bình dị như bao xã đảo: bình yên với những con đường nhỏ, hàng dừa rợp bóng, những ngôi nhà nhỏ...
Người dân địa phương bảo, nếu không ghé Bàn Than, xem như bạn chưa đặt chân đến vùng đất này. Vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ và vắng bóng khách du lịch, Bàn Than khiến nhiều người ngậm ngùi bởi với vẻ đẹp của nó nếu được quảng bá sẽ rất hút khách.
Du khách thích thú khi chiêm ngưỡng những khối đá khổng lồ, kỳ lạ ở Bàn Than.
Bàn Than (nhiều tài liệu ghi là Bàng Than) có nhiều lý giải khác nhau về tên gọi. Bàn có thể hiểu là mặt bàn, mặt bằng phẳng còn Than ám chỉ màu đen. Tên gọi đơn giản này rất hợp lý với cách giải thích nói trên bởi ở đây có nhiều tảng đá đen, có mặt bằng phẳng, nhẵn bóng qua quá trình kiến tạo địa chất cũng như được nước biển mài mòn. Khi ghé nơi này, không ít du khách giật mình tưởng mình đang lạc vào huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bởi có khá nhiều nét tương đồng.
Danh thắng Bàn Than có nhiều khối đá khổng lồ có hình thù kỳ dị mà nổi tiếng nhất, từng được nhắc đến trong câu ca "Ấy Bà Che có khe nước chảy, ấy Ông Đụn có vảy có vi”.
Câu ca ấy nhắc nhớ đến hai mỏm đá thuộc hàng "độc nhất vô nhị” với dáng hình kỳ lạ. Ông Đụn là khối đá nằm sát biển với những lớp đá được chồng lên nhau, nằm xếp lớp kỳ thú. Bà Che là tảng đá lớn vươn mình lên cao hình như đầu cá khổng lồ, ở giữa có khoảng trống, sóng nước dập dìu. Hai khối đá như xếp chồng, quấn quýt lấy nhau trọn đời.
Khối đá này khiến nhiều người liên tưởng đến cổng Tò Vò ở Lý Sơn. Theo một số người ở Núi Thành, cụm đá này mới đây đã bị sập khiến rất nhiều người cảm thấy ngậm ngùi vì tất cả giờ chỉ còn là ký ức.
Ông Đụn, Bà Che - khối đá nổi tiếng nhất ở Bàn Than.
Ở Bàn Than, ngoài Ông Đụn, bà Che còn có nhiều khối đá có hình thù kỳ dị: những con cá mặt quỷ, hình cá voi, thủy quái… Có những khối đá lại giống như cây nấm khổng lồ bung xòe. Nhiều khối đá khác lại nằm ngang với nước biển, tạo nên màu đen tuyền, lóng lánh dưới nước. Đá ở đây dường như có bàn tay của tạo hóa xếp lớp, đặt để khắp nơi. Có những mặt phẳng rộng lớn, lại có những chỗ đá được xếp chồng lên nhau như những chiếc bánh kép khổng lồ. Toàn bộ khu vực rộng lớn này, nếu rong chơi và khám phá cả ngày du khách đều không có cảm giác chán chường.
Một tác phẩm đá hoàn hảo nhờ bàn tay của tự nhiên.
Trong hành trình khám phá danh thắng này, bạn có thể dừng chân ngay lối vào với hàng dừa rợp bóng, gió mát vi vu. Nhìn xa xa là cảvùng biển rộng lớn với làn nước trong xanh, những con thuyền neo đậu chờ ngày ra khơi.
Điểm bất lợi của Bàn Than là ở chỗ đây là điểm mỗi ngày phải nhận số lượng rác rất lớn từ các vùng biển lân cận trôi dạt đến. Rác khi trôi dọc theo bờ biển, đến Bàn Than tích tụ thành khối lượng lớn mà lực lượng đoàn thanh niên địa phương mỗi năm đều liên tục tổ chức các chiến dịch làm sạch môi trường.
Hàng dừa rợp bóng lối vào Bàn Than.
Người dân Bàn Than mong ước danh thắng này sẽ được nhiều người quan tâm, du lịch phát triển đồng thời có những biện pháp hợp lý hơn để loại bỏ rác thải, giữ lại vẻ nguyên sơ, sạch đẹp cho địa danh mà nếu ví là "Lý Sơn thứ hai” cũng không phải quá lời.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên