Dây leo đan chi chít thành mái vòm bao trùm miệng hang thấp - Ảnh: Tấn Lực
Từng vách đá cao vút được dòng nước chạm khắc hàng vạn đường vân mềm mại phủ kín dây leo, hang đá hun hút thâm trầm, mát lạnh kỳ quái dễ làm du khách sởn gai ốc nếu đến một mình.
Được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ xã nhưng phải len lỏi, cuốc bộ khá vất vả nhóm chúng tôi mới đến được Hang Dơi.
Đi sâu vào con đường đất sỏi dốc đứng hai bên bạt ngàn rừng keo, cả nhóm dừng lại trước một cái vực um tùm cây dại và chuối rừng. Bốn cán bộ xã Tiên An dẫn đường dò dẫm từng bước leo xuống vực một cách cẩn trọng bởi không có đường mòn.
Xuống đáy vực, di chuyển vào sâu chừng 50m qua những khối đá to, hang thấp đã hiện ra sừng sững trước mặt du khách.
Hang Dơi thực chất là hai hang kề nhau, chia theo vị trí mà dân địa phương gọi là hang cao, hang thấp. Hang thấp sập vòm, vách cao hơn 10m, mở rộng dần khi đi vào trong với đoạn rộng nhất hơn 20m.
Đứng tại đây nhìn lên, du khách sẽ thấy nắng chiếu lọt qua hàng rào dây leo đan cài chi chít trên mái rọi xuống đáy hang từng vùng sáng lung linh, huyền ảo.
Hai bên vách hang, nước ngầm rỉ thành khe nhỏ thấm qua lớp đất ẩm dưới chân làm du khách cảm giác lành lạnh. Đưa tay sờ những đường vân lồi lõm đều tắp trên vách đá, cảm nhận được dấu vết của dòng suối cổ từng chảy qua nơi đây hàng triệu năm bào mòn thành hình.
Trước cửa hang thấp là các tảng đá lớn và thảm thực vật xanh tươi - Ảnh: Tấn Lực
Những vách đá cao dựng đứng trong hang thấp - Ảnh: Tấn Lực
Những đường vân kỳ dị trên đá là kết quả của dòng nước và thời gian - Ảnh: Tấn Lực
Đi ngược ra hang thấp về phía trái một đoạn sẽ thấy ngay miệng hang cao như một hốc nhỏ nằm trên bục đá lớn lởm chởm, phải bám thật chắc mới trèo vào được. Hang cao nằm khoét sâu trong núi, quanh năm hầu như không lọt ánh mặt trời.
Hang cao dài gần trăm mét với nhiều ngóc ngách tối tăm ăn sâu vào lòng núi đá, đây là nơi trú ẩn lý tưởng của loài dơi và cũng là nguyên do tên gọi Hang Dơi mà dân địa phương đặt cho khu vực này.
Anh Huỳnh Văn Sửu, một đồng bào Cor sinh sống tại đây, cho biết ngày trước dơi ở trong hang nhiều vô kể, khi bóng chiều loạng choạng buông xuống lũ dơi ào ra khỏi hang như ong vỡ tổ, tiếng kêu eng ét khua động một góc rừng.
Nay dơi bị đánh bắt nhiều và môi trường kiếm ăn thu hẹp nên số lượng còn lại trong hang khá hạn chế.
"Mười năm trước các anh không vào hang được như bây giờ đâu, dơi vắt vẻo trên đá liền liền kêu inh ỏi, còn dưới nền lớp phân dơi dày hàng tấc bốc mùi kinh lắm, vào ở lâu một chút là chịu không nổi liền hà” - anh Sửu nhớ lại.
Tuy nhiên, nhiều người già sống gần Hang Dơi cho biết trong thời chiến tranh chống Mỹ đã có giai đoạn người dân và bộ đội dùng hang này làm nơi tránh bom. Lại còn truyền tai nhau rằng hễ quả bom nào rơi trúng Hang Dơi thì đều điếc, không nổ.
Lòng hang cao, có nhiều đoạn cao đến 2m, người lớn có thể thẳng người đi thoải mái nhưng đôi chỗ bỗng thắt lại như lưng ong, phải ngồi xuống khom lưng lê tới.
Trong hang, hơi đá phả ra mát lạnh, tĩnh mịch đầy vẻ huyền bí, dễ mê hoặc bất cứ khách bộ hành nào ưa cảm giác khám phá mạo hiểm.
Hang cao khá tối do nằm sâu trong lòng núi - Ảnh: Tấn Lực
Dây leo phủ kín vách hang thấp - Ảnh: Tấn Lực
Giống cây kỳ lạ vươn thân dài trên nền đất ẩm ướt trong hang cao - Ảnh: Tấn Lực
Nắng rọi tuyệt đẹp qua vài khe nứt trong hang - Ảnh: Tấn Lực
Thông tin cho bạn:- Nếu muốn khám phá Hang Dơi, tốt nhất nên tìm một người địa phương dẫn đường.
- Những lúc lên xuống dốc đứng khá nhọc sức nên cần có sức khỏe, đôi chân dẻo dai.
- Mang theo ít thức ăn nhẹ, nước uống và đừng quên mang theo đèn pin để có một buổi khám phá trọn vẹn.
TẤN LỰC
Theo tuoitre.vn