Maldives "nắng vàng, cát trắng, biển xanh" - Ảnh: Trung Nghĩa
Tới Maldives thế nào?
Do VN chưa có đường bay thẳng tới Maldives nên phải quá cảnh qua nước thứ ba. Từ VN bay qua một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore rồi bay tiếp tới Maldives.
Ngoài ra, nếu bạn muốn một cung đường khác thì có thể bay qua Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka, Hàn Quốc… rồi tới Maldives.
Đường phố thủ đô Malé
Từ Hà Nội sang Singapore mất 3 tiếng, từ Singapore sang Maldives mất 4 tiếng. Tức là riêng thời gian bay sẽ mất 7 tiếng, nên nếu quá cảnh ngắn thì không sao, quá cảnh dài sẽ rất mệt.
Nhưng khi đặt vé, bạn cũng đừng ham thời gian quá cảnh ngắn bởi bay từ VN đi thì khả năng trễ chuyến cao. Như chuyến tôi đi, thời gian qua cảnh lúc đi là 4 tiếng, vừa đủ để ăn uống nghỉ ngơi trước khi bay chuyến kế tiếp. Chuyến về, tôi chọn phương án ở lại Singapore chơi một ngày, hôm sau bay về.
Một trong những thuận tiện khi đi Maldives là không phải xin visa. Bạn chỉ cần mua vé, đặt phòng rồi bay đến "thiên đường".
Hôm tôi tới sân bay, tôi không cần phải trình ra vé khứ hồi hay đặt phòng, chỉ cần đưa hộ chiếu và tờ khai nhập cảnh là được cộc dấu. Nhân viên hải quan còn chẳng buồn hỏi tôi một câu nào.
Dù vậy, cẩn thận thì bạn cứ phải in sẵn vé máy bay khứ hồi, đặt phòng resort để khi họ hỏi thì có sẵn.
Đi lại ở Maldives
Sân bay Maldives nằm trên một hòn đảo. Thủ đô Malé nằm ở hòn đảo kế bên. Các đảo resort nằm rải rác quanh khu vực sân bay và thủ đô, trải dài từ phía bắc xuống phía nam Maldives.
Nhìn bản đồ này bạn sẽ hình dung được vị trí sân bay, thủ đô và một số resort nằm ở phía bắc.
Ảnh: Maldives map
Nếu muốn sang Malé, khi tới sân bay, bạn ra cửa sẽ gặp ngay bến phà. Vé một lượt từ sân bay sang Malé hoặc ngược lại là 10 Rufiyaa (tương đương 17.000VNĐ). Phà đi mất 15 phút và lúc nào bạn đến cũng có phà đi ngay.
Quầy bán vé phà sang thủ đô Malé tại sân bay
Khách trên phà
Một chiếc phà từ sân bay cập bến đảo thủ đô
Mua vé phà ở quầy vé phía thủ đô
Hiện có cây cầu nối từ sân bay sang Malé đang được xây dựng nên thời gian tới bạn đến đây có thể sẽ không phải đi phà.
Cây cầu nối đảo sân bay với thủ đô đang được xây dựng
Từ Malé sẽ có phà đi các đảo dân sinh khác. Giá vé và thời gian bạn có thể tham khảo ở bến phà.
Tuy nhiên, lưu ý là ở Malé có 2 bến phà. Ngoài bến phà từ sân bay sang nằm ở phía đông bắc đảo, còn một bến phà khác nằm ở phía tây đảo như trong hình.
Malé có 2 bến phà - Ảnh: Maldives Map
Đi taxi chỉ tốn 2 USD thôi. Nếu quá con số này là bạn đã bị lừa đấy!
Thủ đô Malé rất nhỏ. Cứ mỗi lượt đi taxi giá khoảng gần 30 Rufiyaa (tương đương 2USD), bất kỳ khoảng cách xa gần thế nào. Trường hợp tài xế đòi quá giá này là anh ta đang muốn biến bạn thành... con lừa đấy.
Taxi ở Malé
Kinh nghiệm khi tới Maldives là nên đổi một ít tiền bản địa để tiêu. Ngay tại sân bay có quầy để đổi hoặc rút tiền rất thuận tiện.
Trường hợp bạn ra đảo resort, bạn buộc phải đi bằng phương tiện do đảo chuyên chở là tàu cao tốc (speedboat) hoặc thủy phi cơ (seaplane) tùy khoảng cách từ sân bay tới resort. Nghe nói có một vài trường hợp khách VN thỏa thuận trước được với chủ resort để đi phương tiện ngoài rẻ hơn, nhưng không phổ biến lắm.
Tàu cao tốc đưa du khách ra đảo resort
Khi tới sân bay, bạn sẽ thấy một dãy các quầy đại diện của các resort. Bạn tìm tên resort bạn đã đặt rồi tới đó họ sẽ bố trí đưa bạn ra đảo.
Quầy đón tiếp của các resort ngay tại sân bay
Ở đảo dân sinh hay đảo resort?
Như trên đã nói, Maldives có hai loại đảo gồm đảo dân sinh và đảo resort. Nếu ở đảo dân sinh thì ở khách sạn, nhà trọ. Còn đã ra đảo resort thì mỗi đảo là một resort nên không có lựa chọn nào khác.
Tất nhiên, giá ở khách sạn, nhà trọ trên đảo dân sinh rẻ hơn rất nhiều so với ở resort.
Về cơ bản, đảo dân sinh không có gì đặc biệt, nhưng nếu bạn muốn khám phá đời sống người dân thì vẫn nên dành thời gian ở đây.
Lưu ý là dân ở đây theo đạo Hồi nên không có chuyện bia rượu tràn lan như dân mình mỗi khi đi nghỉ. Việc bán bia chỉ áp dụng cho du khách ở đảo resort.
Một người đàn ông bị hỏng xe ở Malé
Ở Malé không có rượu, bia, nhưng Coca thì tha hồ
Người dân rút tiền trong một ATM
Nếu bạn muốn tiết kiệm tối đa chi phí thì bạn ở đảo dân sinh, sau đó mua tour thăm quan đảo resort trong vòng một ngày. Các tour trong nước hiện cũng có gói này và đây cũng là cách mà nhiều phượt thủ thường chọn.
Bạn có thể hỏi các tour thăm quan đảo resort ở quầy của các resort đặt tại sân bay. Giá tour trên dưới 50USD/người tùy khoảng cách giữa sân bay và resort. Giá đã bao gồm ăn trưa.
Lịch trình thường là sáng ra đảo resort, chiều về đảo dân sinh.
Ra tới resort, bạn muốn đi đâu, làm gì thì làm, trừ việc vào phòng của họ. Nếu có mệt cũng chẳng lo bởi quanh đảo là những bãi biển đẹp mê hồn với đầy đủ ghế, võng cho bạn ngả lưng.
Một góc đảo Bandos resort
Ngắm biển ở Bandos resort
Một góc đảo Paradis resort
Dừa bên bờ biển trên đảo Bandos resort
Nhưng tới Maldives mà không thưởng ngoạn một đêm ở đảo resort thì phí cả đời người.
Ở resort có sướng không?
Trước đây resort ít, giá cả cao thì lựa chọn cách ở đảo dân sinh rồi mua tour ra đảo resort đã đành. Bây giờ Maldives có gần 100 đảo resort, giá cả rất cạnh tranh nên việc ở resort 1 hay 2 đêm, thậm chí cả tuần thì không nằm ngoài khả năng của nhiều người.
Đến đây, nếu bạn xác định tới Maldives để trải nghiệm cảm giác ở thiên đường thực sự thì câu hỏi đặt ra là "Chọn resort nào?".
Bandos resort
Maldives có tới gần 100 đảo resort, tha hồ cho bạn lựa chọn.
Bạn có thể tham khảo resort tại trang web này: https://visitmaldives.com/cat/resorts/ hoặc https://maldivesfinest.com/resorts
Ở phần giới thiệu mỗi resort đều có website của resort đó bên dưới. Bạn có thể click vào trang web đó để có đầy đủ thông tin, hình ảnh về resort. Hoặc bạn cũng có thể nghiên cứu và đặt phòng trên các trang đặt phòng như Booking hoặc Agoda.
Chính vì việc khởi hành ra đảo resort đều bắt đầu từ sân bay nên khi đặt resort, bạn cần xác định xem vị trí, khoảng cách của resort so với sân bay để biết được đường xa gần, thời gian đi nhanh chậm ra sao. Mấy thông tin này đều có chi tiết ở các trang kể trên khi bạn mở vào từng resort.
Trước khi đặt phòng, bạn lưu ý là giá phòng chưa bao gồm thuế, phí và tiền vận chuyển ra đảo. Vì thế, để xác định xem resort nào rẻ thì phải tính đầy đủ. Có những resort giá phòng thấp nhưng tính đúng, tính đủ thì đắt lòi mắt, ngược lại, có những giá phòng cao nhưng cộng mọi chi phí thì lại rẻ.
Nói chung, có 4 khoản để tính đúng, tính đủ giá phòng: gồm giá phòng + thuế + phí môi trường + phí vận chuyển.
Để dễ hình dung và so sánh, tôi tìm trên booking phòng cho 2 người đêm 18-10 tới tại resort Olhuveli Beach & Spa Maldives và Sheraton Maldives Full Moon Resort & Spa thì thấy:
Olhuveli Beach & Spa Maldives: 9,5 triệu đồng tiền phòng + 23,2 thuế + 6 USD/người phí môi trường + 210 USD tiền vận chuyển/người cả lượt đi và về. Olhuveli Beach & Spa Maldives cách sân bay Malé 45 phút đi tàu cao tốc.
Sheraton Maldives Full Moon Resort & Spa - Ảnh: Sheraton
Sheraton Maldives Full Moon Resort & Spa: 9,1 triệu giá phòng + 23,2 thuế + 6USD/người phí môi trường + 136USD phí vận chuyển/người. Sheraton Maldives Full Moon Resort & Spa cách sân bay Malé 25 phút di chuyển bằng tàu cao tốc.
Nhìn vào so sánh trên, bạn sẽ thấy chỉ có thuế và phí môi trường giống nhau. Giá phòng sẽ khác nhau. Tùy từng thời điểm đặt và tùy từng resort, mức giá có thể chênh nhau vài triệu hoặc vài chục triệu.
JA Manafaru resort - Ảnh: JA
Đi thủy phi cơ
Một số đảo ở xa sân bay thì bạn phải di chuyển bằng thủy phi cơ, chẳng hạn JA Manafaru. Resort này nằm ở phía bắc Maldives, cách sân bay Malé khoảng 320km, mất khoảng 1 tiếng 10 phút đi thủy phi cơ với phí vận chuyển là 660USD/người. Giá phòng cho 2 người trong đêm 18-10 là 27 triệu đồng.
Phí vận chuyển khác nhau tùy vào khoảng cách từ sân bay tới resort hoặc tùy vào phương tiện chuyên chở (tàu cao tốc hay thủy phi cơ). Những đảo gần sân bay Malé, resort sẽ đón bạn ra đảo bằng tàu cao tốc.
Những resort xa thủ đô, bạn thậm chí còn phải bay chuyến bay nội địa từ sân bay Malé tới một sân bay khác trước khi ra đảo, chẳng hạn như Ayada Maldives.
Resort này cách thủ đô Malé khoảng 431 km về phía Nam. Giá phòng cho đêm 18-10 là 40 triệu đồng.
Ayada Maldives resort - - Ảnh: Ayada
Du khách làm thủ tục bay chuyến bay nội địa từ sân bay Malé trước khi ra đảo
Ở đây, lưu ý lại là việc di chuyển ra đảo resort sẽ phải phụ thuộc vào họ vì không có phương tiện nào khác.
Tóm lại, trong hàng chục resort, vào booking xếp theo thứ tự giá từ thấp tới cao, kiểu gì bạn cũng chọn được resort phù hợp với túi tiền để ít nhất thưởng ngoạn 1 đêm ở thiên đường.
Việc so sánh resort nào đẹp hơn resort nào cũng khó và tùy vào đánh giá của mỗi người. Về cơ bản thì resort nào cũng rất đẹp.
Trong chuyến đi Maldives, người viết có dịp đặt chân tới 2 resort (Bandos resort và Paradise Island Resort & Spa) và thấy mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng.
Chọn được resort rồi thì bạn cứ thế lên đường thưởng ngoạn.
Villa ven biển tại Bandos resort
Một góc Bandos resort
"Ăn chơi, nhảy múa" ở thiên đường
Tương tự chuyện di chuyển, việc ăn uống trên đảo resort không cho bạn lựa chọn nào khác ngoài việc ăn từ những nhà hàng do chủ resort cung cấp, không có chuyện ra ngoài ăn bún, miến, phở, hàng rong như nhiều người vẫn chọn khi đi resort ở VN.
Vì thế, khi đặt phòng bạn phải xác định xem bụng dạ bạn thế nào, ăn được nhiều hay ít… để chọn phòng vì giá phòng ăn sáng riêng, ăn trưa riêng hay ăn cả 3 bữa sẽ khác nhau.
Theo tôi, đặt phòng bao luôn cả 3 bữa cho tiện vì đồ ăn của họ cũng hợp khẩu vị, không phải lo mang theo mì gói.
Xong chuyện ăn uống thì tới chuyện chơi. Trên đảo có đủ mọi thứ cho các bạn vui chơi, thể thao.
Bể bơi trên Bandos resort
Đường đi dạo trên Paradis resort
Nếu muốn "sang chảnh" thì bạn tham gia các trò chơi tính phí. Nếu tính riêng tiền máy bay, tiền ăn ở thì không đáng. Còn tham gia các trò chơi tính phí mới tốn kém.
Ngay khi đặt chân tới resort, bạn sẽ được đưa cho những tờ rơi giới thiệu hàng loạt trò chơi trên đảo như đi lặn biển ngắm san hô, đi tàu ngầm dưới đáy biển, chơi dù lượn, câu cá đêm...
Nói chung, giá cả đều có sẵn, bạn thích cái nào thì đăng ký chơi cái đó.
Có người ở Maldives tới một tuần rồi kêu chán. Điều này là chính xác. Vì sao?
Ở bao lâu?
Thấy trên một số diễn đàn có người ở Maldives tới một tuần rồi kêu chán. Điều này là chính xác.
Các đảo resort đều nhỏ nên chỉ cần dành một buổi sáng hoặc chiều là đi hết đảo. Dân mình vốn ưa check-in nên ưu tiên đầu tiên khi tới nơi là làm một vòng chụp ảnh "cúng" facebook. Sau đó thư thả đi lại một vòng nữa vừa ngắm cảnh, vừa nghỉ ngơi hoặc tắm táp.
Thiên hạ chụp ảnh "cúng Facebook"
Ngày tiếp theo có thể tham gia vào các hoạt động khác của đảo tùy theo sở thích và túi tiền của từng người.
Nói chung, ở khoảng 3-4 ngày, 2-3 đêm là đủ. Ở lâu quá thì tốt nhất là đầu tư tới một đảo khác cho mới lạ, chứ chỉ ở trên một đảo thì chán.
Mùa cao điểm du lịch ở Maldives là từ tháng 10 năm này kéo sang tháng 4 năm sau. Lúc này, giá phòng đắt và khách trên đảo đông.
Ngược lại, từ tháng 5 đến tháng 9 trong năm không phải mùa cao điểm nên giá phòng rẻ, khách trên đảo vắng nên rất yên tĩnh, thích hợp với nghỉ dưỡng. Mà nói chung ra đảo thì chỉ nghỉ dưỡng, không thích hợp với các tín đồ nghiện shopping.
Tuy nhiên, mùa thấp điểm là mùa mưa nên đen đủi tới đây mà mưa dầm dề mấy ngày cũng chán. Thời điểm tôi đi may mắn nắng đẹp, chỉ có một trận mưa rào chưa tới 1 tiếng vào sáng sớm.
Kinh phí chuyến đi
Để bạn dễ hình dung, tôi tìm vé máy bay đi theo chặng đã đi (qua ngả Singapore) vào thời điểm điểm trung tuần tháng 10-2017 tới thì thấy:
- Giá vé Hà Nội - Singapore (khứ hồi): 4,5 triệu đồng/vé
- Giá vé Singapore - Maldives (khứ hồi): 7 triệu đồng/vé
Tôi tìm phòng (2 người) ở một số resort khác (bao gồm 3 bữa ăn, chưa bao gồm thuế, phí, tiền vận chuyển) cũng thời điểm trung tuần tháng 10 tới thì có các mức: Kurumba (6,7 triệu/đêm), Baros: 9,2 triệu/đêm), Paradise Island Resort & Spa (4,5 triệu/đêm), Adaaran Prestige Vadoo (8,8 triệu đêm)…
Như thế, tùy thời điểm, tùy resort, các bạn có thể ước tính được chi phí của mình.
Như vậy, thiên đường Maldives không xa tầm tay. Vấn đề là bạn lựa chọn thế nào cho hợp với túi tiền của mình.
Bài, ảnh: NGUYỄN TUẤN THÀNH
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật