Nằm trên lầu ngôi nhà 4 tầng ở đường Lý Chính Thắng (quận 3), quán Ôtô Cafe Xưa khiến không ít du khách ngạc nhiên. Lý do là không gian quán chẳng liên quan đến ô tô, mà có đến vài trăm món đồ cổ được bài trí khắp gian phòng. Đó đều là kỷ vật do cha của chủ quán để lại và được chủ quán sưu tầm thêm.
Chủ quán Nguyễn Quốc Dũng (1979) cho biết anh cũng thích sưu tầm đồ cũ, nhất là những thứ hoạt động được và mang tính ứng dụng.
Khi được hỏi về món đồ anh thấy thú vị nhất, anh Dũng khoe chiếc máy khâu mini được sản xuất từ những năm 1940 - 1960, hiện có thể may những chi tiết trên mảnh vải cỡ nhỏ.
Nhiều món đồ trong quán còn chạy tốt, chủ yếu là quạt, đèn, đồng hồ, máy đọc băng đĩa nhạc. Tuy nhiên những thứ chạy động cơ điện này đều thuộc loại cũ sử dụng nguồn điện 110V, do đó chủ quán phải thiết kế dòng điện biến áp riêng.
Chủ quán đã dành vài trăm triệu để sưu tầm dàn âm thanh này, có thể mở nhạc cho khách ở quán nghe. Những dàn máy hát thịnh hành qua các thời kỳ, trong đó có máy hát đĩa than dùng tay quay sản xuất những năm 1930, đầu băng cối AKAI có mặt ở Việt Nam từ những năm 1950...
Ngoài máy hát, chủ quán còn thích sưu tầm đồng hồ. Trong hơn 10 chiếc đồng hồ quả lắc cũ đang treo trong quán, chiếc hiệu ODO này được anh Dũng "khoái" nhất vì còn giữ hóa đơn lúc mới mua. Chiếc này do bố anh mua tại cửa hiệu số 69 đại lộ Boulevard Charner, nay là đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM).
Nói đến đồng hồ treo tường cổ, hầu hết các nhà sưu tầm đều sở hữu một đến vài chiếc hiệu ODO, bởi loại này khá phổ biến ở nước ta thế kỷ trước. Đồng hồ treo tường du nhập vào Việt Nam theo chân các nhà truyền giáo, thường được sử dụng trong nhà thờ, thánh đường, cơ quan, dinh thự của người Tây.
"Trước đây đồ cổ được bố tôi trưng bày riêng một phòng. Sau này bố mất, tôi sử dụng để trang trí quán cà phê, không ngờ được nhiều khách yêu thích", chủ quán chia sẻ.
Kỷ vật của bố anh Dũng chủ yếu là đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ có tuổi đời từ vài trăm năm trở lên. Hàng trăm món được sắp xếp xen kẽ với nhau trong quán.
Tấm kim loại bằng đồng được chạm hình vẽ trước đây từng là mâm cơm của một gia đình quý tộc. Chiếc mâm do một nghệ sĩ nổi tiếng từng đến và yêu thích quán, tặng anh Dũng.
Mâm đồng là kỷ vật có giá trị sưu tầm cao, một vị khách ưa tìm hiểu về đồ cổ cho biết. Mâm thể hiện nét sinh hoạt ẩm thực của người Việt, các món ăn được dọn chung trên mâm cho cả gia đình, khác với cách ăn uống của người phương Tây. Một phần mâm cũng phản ánh tầng lớp xã hội của gia đình đó, họa tiết trang trí càng cầu kỳ thì càng giàu có, quyền quý.
Không gian quán mang màu sắc hoài cổ không chỉ bởi những món đồ xưa cũ, mà còn do nội thất như bàn ghế, nền gạch, khung cửa, bức tường gạch được chủ quán thiết kế hài hòa. Quán cho khách chụp ảnh, chạm vào cổ vật.
Quán có thể phục vụ 80 - 100 khách, phần lớn ở trong phòng máy lạnh, ngoài ra còn có chỗ ngồi ở ban công. Thực đơn đồ uống đa dạng các món như cà phê, trà trái cây, nước ép, sinh tố, đá xay... giá 30.000 - 60.000 đồng. Khách có thể đến thưởng lãm từ 6h30 đến 18h00.
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật