Giữa Sài thành ồn ã và tấp nập, một quán cà phê không tiếng động vẫn lặng lẽ tồn tại dù ít người biết đến. Đó là Quán Của Thời Thanh Xuân, nơi nhân viên đều mắc bệnh câm điếc bẩm sinh. Dù không thể giao tiếp một cách bình thường với khách hàng, họ vẫn biết cách khiến bạn mỉm cười hạnh phúc vì những cử chỉ nhỏ nhặt mà đáng yêu.
Nằm trong một con đường nhỏ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), bề ngoài quán cà phê này không có gì khiến người khác chú ý. Nó như hòa mình vào các căn nhà xung quanh.
"Nơi này dường như lạc quẻ so với nhịp phát triển của cà phê ở TP.HCM", người bạn đi cùng tôi nhận xét.
Quán cà phê với không gian tĩnh lặng, thưa thớt khách ra vào ở TP.HCM
Câu nói đó khá đúng nếu bạn đến quán vào lần đầu tiên. Quán cà phê này nằm ở tầng một của căn nhà 4 tầng. Do không có biển hiệu, khách đến quán có lẽ sẽ hơi khó nhận ra. Quán Của Thời Thanh Xuân có một khoảng sân nhỏ cho khách để xe. Tuy nhiên, nhân viên chưa bao giờ phải chạy ra thông báo hết chỗ vì lượng khách khá khiêm tốn.
Tôi tìm đến đây vào một buổi trưa cuối tháng 10. Ấn tượng ban đầu có lẽ là ánh mắt biết nói của nữ nhân viên điếc, tên Mai Khanh. Do có vấn đề về thính giác, Mai Khanh hầu như giao tiếp bằng miệng. Cô chỉ biết chào khách bằng một thái độ niềm nở và đôi mắt cười hồn nhiên.
Khi cánh cửa gỗ mở ra, tôi ngửi thấy một mùi hương thảo mộc xộc lên mũi khá dễ chịu. Diện tích quán khá nhỏ, chỉ bày được 2 bàn dài cho nhóm đông và 3 bàn nhỏ cho khách bình thường. Tông màu gỗ vàng, nâu cùng sự yên tĩnh do không bật nhạc càng khiến người ta cảm thấy lạc lõng giữa một Sài thành hoa lệ.
Nó như một thế giới tĩnh lặng riêng biệt, thi thoảng, tiếng gõ phím của vị khách đã ngồi đó từ sớm vang lên. Đó là âm thanh duy nhất tôi có thể cảm nhận trong căn phòng ấy.
Thực đơn của khách cũng khá kỳ lạ. Khi gọi đồ, nhân viên sẽ đem đến trước mặt bạn một hộp đựng que gỗ sơn màu kèm tờ thực đơn một mặt vì ít món. Thông thường, thực đơn thường ghi tên đồ uống và giá. Tuy nhiên, tại đây, bạn sẽ thấy tờ thực đơn chỉ ghi tên kèm màu chú thích bên cạnh. Khi đã chọn được món ưng ý, khách rút que màu tương ứng và đưa cho nhân viên.
Giá tiền không được ghi vì khách trả tùy tâm. Tùy theo mức độ hài lòng, bạn có thể trả số tiền tương xứng. Nếu vui, khách có thể trả tới 100.000 đồng chỉ cho một bình trà hoa cúc. Nếu không thích, bạn không trả tiền và chẳng ai phản đối chuyện này cả.
Những thanh gỗ gọi đồ đặc biệt của quán
Từ khi tôi bước chân vào quán (khoảng 14h) đến khi rời đi (cỡ 17h), không có thêm một vị khách nào đi qua cánh cửa kia. Dù là ngày trong tuần, lượng khách quá ít ỏi như vậy cũng thực sự là chuyện lạ với một quán cà phê tại TP.HCM.
Trong không gian tĩnh lặng này, chỉ có tôi cùng một người bạn tận hưởng sự bình yên hiếm hoi giữa làn hương thảo mộc thơm dịu nhẹ...
Mai Khanh sinh năm 1997. Dù để kiểu tóc tomboy khá nam tính, cô lại hơi rụt rè. Sau nhiều lần thuyết phục, cô mới chịu ngồi xuống để tôi phỏng vấn. Do bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi chọn cách trao đổi qua laptop.
Mới đi làm được cỡ 2 tháng, Mai Khanh đã cảm giác nơi này ấm áp như ngôi nhà thứ hai. Cô mắc bệnh điếc bẩm sinh. Từ nhỏ, Khanh đã phải sống trong một ngôi nhà bình thường với mọi người nhưng lạ lẫm với chính mình.
Mai Khanh rụt rè tìm được nơi mình thuộc về ở quán cà phê này
Gia đình cô không ai bị bệnh câm, điếc. Họ cũng không có ý định học thêm về ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp cùng Khanh.
"Mình chưa bao giờ hòa nhập được với gia đình vì bị điếc. Họ luôn nói chuyện bằng miệng nhưng mình không hiểu. Mọi người chỉ ăn uống, đi chơi cùng nhau. Mình không mấy khi tham gia vào những cuộc nói chuyện tại nhà", Mai Khanh chia sẻ.
Chỉ khi đến quán cà phê nhỏ này, cô mới có thể sống là chính mình. Các nhân viên và cả quản lý đều giao tiếp cùng nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Điều đó khiến Mai Khanh cảm thấy như tìm được nơi mình thuộc về.
Dù quán ít khách, Mai Khanh vẫn thấy hạnh phúc vì đa số đến đây đều là người tử tế. Nếu có điều không hiểu khi giao tiếp, họ sẵn sàng viết bằng giấy để gửi cô thay vì tỏ thái độ khó chịu.
"Anh chủ cũng rất tâm lý với những nhân viên câm, điếc như bọn mình. Vì thế, mình thấy dễ chịu khi ở đây. Trước giờ, mình thường ngại ngùng nên rất ít giao tiếp với người khác", cô cho hay.
Trước khi có công việc ở Quán Của Thời Thanh xuân, Mai Khanh từng nộp đơn xin việc ở một số nơi khác. Tuy nhiên, cô cũng bị từ chối nhiều vì bệnh điếc. Học vấn mới hết cấp 2 khiến việc tìm kiếm cơ hội trở nên khó khăn. Tìm được nơi này giống như một trang hạnh phúc mới trong cuộc đời của cô gái 23 tuổi.
"Cách đây 7 năm, tôi đã nảy ra một ý tưởng...", Võ Thành Luân, chủ quán cà phê, nói về ngày Quán Của Thời Thanh Xuân ra đời.
"Đó là khi tôi đang du học ở Philippines. Cơn bão Haiyan ập đến khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa.
Trên đường đến điểm tập kết, tôi thấy xót xa cho những phận người nghèo khổ, mất sạch vì bão lũ. Tôi đã cho họ tất cả những gì mình có, từ quần áo đến các đồ dùng cá nhân. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình muốn giúp đỡ những người yếu thế trở lại cuộc đua của đời mình", anh Luân chia sẻ.
Tại thời điểm đó, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người điếc. Phần lớn họ chỉ có thể học đến hết tiểu học. Càng tiếp xúc, anh Luân lại hiểu thêm nhiều điều khó khăn mà những người này gặp phải.
Họ lạc lõng giữa tiếng ồn ào của cuộc sống. Họ khó có thể kiếm được một công việc sinh nhai. Ngay chính gia đình cũng mất niềm tin những người điếc có đủ sức làm được điều đó.
Quán Của Thời Thanh Xuân được lập ra với mong muốn giúp đỡ những người điếc
Và như thế, dự án Nhà Của Thời Thanh Xuân đã ra đời. Đây là một mô hình xây dựng trách nhiệm xã hội với đối tượng người điếc. Họ tự sản xuất xà phòng, tinh dầu và đầu tư trang trại để những người điếc có thể thực hiện công việc đơn giản như làm nông, gói xà phòng... Dần dần, họ sẽ đủ sức làm những thứ khó khăn hơn như quản lý, pha chế hay tư vấn bán hàng.
Quán Của Thời Thanh Xuân chính là viên gạch đầu tiên trong dự án này.
Khoảng 3 năm trước, quán xuất hiện ở Đà Lạt (Lâm Đồng) với tất cả nhân viên là người câm, điếc. Hình thức trả tiền tự nguyện và không gian thơ mộng, yên ả cũng khiến quán được du khách đến Đà Lạt chú ý. Sau thời gian dài hoạt động và nhận thấy khá nhiều khách hàng là người Sài thành, anh Luân quyết định đem Quán Của Thời Thanh Xuân tới quận 1 (TP.HCM).
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm hoạt động, chủ quán đã phải trả lại mặt bằng ở quận 1 do không đủ tiền chi trả, dịch bệnh hoành hành. Từ đó, quán chuyển về cơ sở trên con đường nhỏ ở quận Phú Nhuận như hiện nay.
"Một nơi như Quán Của Thời Thanh Xuân đặt tại TP.HCM chắc chắn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm vào rủi ro, ngay từ đầu, quán đã không tồn tại. Giống như việc chúng tôi duy trì văn hóa tự trả tiền suốt bấy lâu nay vậy.
Dự án này có thể đi xa không là câu hỏi chưa ai biết được. Nhưng nếu không tới TP.HCM, phải đến bao giờ, ước mơ giúp đỡ 2,5 triệu người điếc của tôi mới thành hiện thực", anh Luân tâm sự.
Hòm tiền tự nguyện là một phần rủi ro anh Luân chấp nhận khi mở quán
Trước đây, quán tại TP.HCM có tới 7 nhân sự, bao gồm cả nhân viên câm lẫn điếc. Tuy nhiên, một quán cà phê quy mô nhỏ lại có nhân sự vượt quá số khách (khoảng dưới 20 người/ngày) chắc chắn không đem lại hiệu quả.
Do đó, trong đợt dịch vừa qua, chủ quán đã quyết định cắt giảm toàn bộ nhân sự bị câm, chỉ giữ lại 2 người điếc cho cơ sở ở TP.HCM. Tại Đà Lạt, việc cắt giảm nhân sự cũng buộc phải diễn ra.
Anh Luân không nghĩ đó là một bước lùi của giấc mơ mình ấp ủ. Theo chủ dự án này, việc nhân sự giảm lại khiến kết quả tăng lên. Anh lý giải điều này tạo ra sự cạnh tranh cho các nhân viên phát triển. Đây chính là mục tiêu ban đầu của dự án Nhà Của Thời Thanh Xuân.
"Chúng tôi muốn giúp các bạn tái hòa nhập cộng đồng và lao động như một người bình thường. Doanh số bán hàng của các nhân viên điếc ở Đà Lạt hiện không kém gì ca của những bạn câm. Chúng tôi nghĩ đây chính là con đường tốt nhất để các nhân viên điếc và Nhà Của Thời Thanh Xuân tồn tại và phát triển", anh nói.
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật