Du lịch khắp nơi - DULICHKHAPNOI.VN

Mùa cao su thay lá

31/12/2015

Khoảng cuối tháng 12 cho đến tháng 3, phương Nam lại có một mùa lá đỏ. Đó là mùa của những cánh rừng cao su đồng loạt thay lá.

Mùa cao su thay lá
Một cánh rừng cao su ở Dầu Tiếng mùa thay lá - Ảnh: Cao Cát

Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada... nổi tiếng với những mùa lá đỏ. Hà Nội - thủ đô mến yêu của Việt Nam cũng có một mùa lá đỏ: "Mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"... Phương Nam cũng có bàng, nhưng thỉnh thoảng mới có lá đỏ.

Nhưng vào mùa cuối đông đầu xuân, thường là vào khoảng cuối tháng 12 cho đến tháng 3, phương Nam vẫn có một mùa lá đỏ. Đó là mùa của những cánh rừng cao su đồng loạt thay lá.

Lúc này, trên mặt đất là những lớp lá vàng rụng. Còn trên cây thì lá vàng, lá đỏ chen lẫn lá xanh. Mùa cuối năm luôn có những cơn gió, và mỗi khi có gió thổi, lá trên cây lại rơi rụng lả tả, còn lá dưới đất cũng theo gió cuốn bay.

Nếu có chút tưởng tượng, bạn sẽ thấy như trong cảnh một câu chuyện cổ tích thần tiên.

Những năm gần đây, cao su được trồng khá nhiều, từ miền Đông Nam bộ cho tới Tây nguyên, các vùng ven thành phố như Củ Chi, Bình Chánh. Nhưng để có thể tham quan và chụp ảnh, nhất là chụp ảnh cưới, thì vẫn là ở miền Đông Nam bộ.

Các tay máy săn ảnh thường cuối tuần phóng xe máy cùng bạn bè xuống khu vực có rừng cao su đẹp và lớn ở huyện Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương). Hay xa hơn là ở các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom, Thống Nhất của Đồng Nai; rừng cao su Bù Đăng, Phú Riềng (Bình Phước).

Theo một số bạn trẻ, đi Bình Phước tiện nhất vì ở đâu nào cũng có rừng cao su đẹp. Nếu không  thì Bình Dương hay Đồng Nai. Còn muốn gần hơn nữa, qua phà Cát Lát đến Nhơn Trạch, Long Thành, nơi cũng có nhiều rừng cao su đẹp, đi và về chỉ hơn 70km.

Vào mùa cao su thay lá, những công nhân nông trường, cũng như các nhân công của các vườn cao su sẽ ngưng thu hoạch mủ. Đây cũng là mùa vệ sinh và dưỡng cây để chuẩn bị cho mùa thu nhựa năm sau.

Mùa này, nếu đi sớm và may mắn, bạn sẽ gặp những cảnh người công nhân dùng máy thổi, thổi những lớp lá dày sát gốc cây ra những khoảng trống an toàn để đốt. Khói từ lá xuyên qua nắng cùng các hàng cây sẽ tạo ra các vệt nắng lung linh.  

Thông thường, đa số các vườn cao su đều không có rào, các chủ vườn, công nhân đều vui vẻ cho du khách vào tham quan, nghỉ chân, chụp ảnh... với điều kiện bạn đừng phá cây, nghịch chén lấy mủ cũng như đốt lá lung tung dễ gây hỏa hoạn.

Còn nếu như muốn đi xa hơn, để có những bức ảnh lạ và đẹp hơn. Hãy tìm đến những cánh rừng cao su ở khu vực Tây nguyên. Nơi có bầu trời xanh cao xen lẫn với với màu nâu đỏ đất, của cây, màu đỏ vàng của lá, và cả làn hơn giá lạnh se se...

Mùa cao su thay lá
Một cánh rừng cao su ở Dầu Tiếng - Ảnh: Cao Cát

Mùa cao su thay lá
Bản hòa tấu sắc màu - Ảnh: Cao Cát

Mùa cao su thay lá
Một con đường tuyệt đẹp xuyên qua rừng cao su - Ảnh: Cao Cát

Mùa cao su thay lá
Một rừng cao su chưa kịp thay lá - Ảnh: Trân Duy

Mùa cao su thay lá
Chiếc xe chở công cụ làm việc của một công nhân dọn vườn cao su - Ảnh: Trân Duy

Thông tin cho bạn

- Những rừng cao su quá ẩm thấp, lá mục dầy, nước đọng... sẽ là nơi ẩn nấp của một số côn trùng gây hại, trong đó có kiến, muỗi cỏ và cả muỗi vằn Anophen (thủ phạm gây ra bệnh sốt xuất huyết).

Vì thế, trước khi vào vườn, nên cẩn trọng mang theo bình xịt côn trùng loại nhỏ, và thuốc thoa chống muỗi.

Tốt nhất không nên cắm trại trong rừng cao su.

- Để bảo đảm an ninh, tất cả những cung đường đi qua rừng cao su, dù đi đông hay theo nhóm cũng không nên đi sau 19g.

TRÂN DUY
Theo http://dulich.tuoitre.vn

Tag:

Viết bình luận: