Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, lưng tựa dãy Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông. Vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh đẹp tự nhiên với những bãi biển nguyên sơ, ghềnh thác cheo leo, núi đồi hùng vĩ chạy dọc theo 130km bờ biển, cùng những di tích văn hóa cổ xưa, những công trình kiến trúc độc đáo.
Nói đến Quãng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn được ví như ‘linh hồn” của mảnh đất này. Không chỉ là “vương quốc tỏi” danh bất hư truyền, Lý Sơn còn mệnh danh là “thiên đường giữa biển khơi” với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo bao gồm gần 100 di tích lịch sử huyền bí như chùa Hang 300 năm tuổi, chùa Đục nằm dưới chân miệng núi lửa cùng những vách đá kỳ vĩ trên thềm địa chất cổ...
Đảo Lý Sơn - điểm đến thu hút của Quảng Ngãi
Nhưng không chỉ có Lý Sơn, Quảng Ngãi còn có hàng loạt địa danh nổi tiếng khác như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Sa Cần, Bình Châu, Khe Hai, Cà Đam... Đi theo đó là những thắng cảnh tự nhiên và những công trình kiến trúc cổ, những nền văn hóa độc đáo như núi Ấn, sông Trà, chứng tích Sơn Mỹ, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa...
Có thể khẳng định, tài nguyên thiên nhiên của Quảng Ngãi là vô tận với những vẻ đẹp riêng có và không hề thua kém so với một số địa phương nổi tiếng khác trên cả nước.
Thời gian gần đây, du lịch Quảng Ngãi đã bước đầu chứng tỏ sức hút của một điểm đến đầy hấp dẫn. Năm 2018, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đạt con số 1 triệu lượt du khách đến tham quan. Có thể nói, đây là một sự chuyển biến tích cực của Quảng Ngãi sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”.
Nhưng nhìn nhận một cách khách quan, con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so với các địa phương trong khu vực duyên hải miền Trung, như Khánh Hòa với 6,3 triệu lượt; Đà Nẵng 7,6 triệu lượt; Quảng Nam 6,5 triệu lượt; Bình Định hơn 4 triệu lượt...
Con số khiêm tốn này của Quảng Ngãi xuất phát từ việc phát triển du lịch theo hình thức “hữu xạ tự nhiên hương”, thiếu tính đầu tư và sự chuyên nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có thể phối hợp hài hòa với tiềm năng sẵn có tại địa phương để mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch, nghỉ dưỡng hoặc khám phá mới lạ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ngãi hiện có khoảng 300 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 phòng. Trong khi đó, số lượng cơ sở lưu trú tại Khánh Hòa đã lên tới 750 cơ sở với khoảng 40.000 phòng, con số này tại Đà Nẵng là hơn 800 cơ sở với trên 37.000 phòng...
Mặt khác, Quảng Ngãi vẫn đang phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực. Trong khi sở hữu rất nhiều điểm đến hấp dẫn, nhưng số cơ sở lưu trú của Lý Sơn lại chiếm gần một nửa so với số lượng toàn tỉnh (124 cơ sở). Thực tế, khách du lịch đến Quảng Ngãi hầu hết đều ra đảo Lý Sơn, các địa phương khác dù sở hữu cảnh quan hấp dẫn nhưng hầu như vẫn vắng bóng trên bản đồ du lịch cả nước.
Rõ ràng, để có những bước tiến xa hơn trong hành trình định danh trên bản đồ du lịch, Quảng Ngãi cần bồi đắp những mảnh ghép còn thiếu. Trong đó, cơ sở hạ tầng bao gồm cả hạ tầng giao thông, hạ tầng lưu trú chất lượng cao là một trong những vấn đề quan trọng cần sớm giải quyết.
“Đối với một tỉnh còn kém về phát triển du lịch như Quảng Ngãi, thì đầu tư cơ sở hạ tầng là điều kiện quan trọng, mở đường cho du lịch phát triển”, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho hay.
Cũng theo bà Hoa, từ nguồn vốn ngân sách, trong những năm qua, các ngành chức năng đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Huyện đảo Lý Sơn đã được đầu tư cảng Bến Đình và hàng loạt các công trình trọng điểm khác phục vụ du lịch. Hay như tại một số điểm du lịch ở xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), Thọ An (Bình Sơn), Suối Chí (Nghĩa Hành)... tỉnh, huyện cũng đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, một vấn đề cần cân nhắc trong việc xây dựng hạ tầng là sự đồng bộ và bền vững, trong đó các giá trị văn hóa, di sản và bảo vệ môi trường được đầu tư khai thác hài hòa, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Muốn làm được điều này, Quảng Ngãi cần thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, với tiềm lực vững vàng và kinh nghiệm dày dạn trong đầu tư và phát triển dự án.
Thiếu vắng cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch hấp dẫn là mảnh ghép còn thiếu của du lịch Quảng Ngãi
Mới đây, Tập đoàn FLC vừa chính thức khởi công Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi tại vùng biển Lệ Thủy, huyện Bình Sơn (Khu Kinh tế Dung Quất). Với quy mô 1.026 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính 11.000 tỷ, dự án được kỳ vọng góp phần cải thiện diện mạo đô thị và hệ thống hạ tầng du lịch chất lượng cao của địa phương thông qua hệ thống tiện ích tiêu chuẩn quốc tế.
Theo thông tin từ chủ đầu tư, ngay sau khởi công, FLC Quảng Ngãi sẽ được dành tối đa các nguồn lực triển khai để những hạng mục đầu tiên sẽ được đưa vào khai thác ngay trong năm 2020.
“Cùng với hãng hàng không Bamboo Airways đang chuẩn bị mở đường bay kết nối sân bay Chu Lai với các điểm đến tiềm năng trong nước và quốc tế, chúng tôi tin rằng khi Quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi đi vào hoạt động sẽ tạo nên sự đột phá về lượng du khách đến với Quảng Ngãi, cũng như tạo động lực để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh nhà, góp phần tạo thêm hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FLC nhấn mạnh.
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật