Chả chìa Hạ Lũng (Hải Phòng)Chả chìa Hạ Lũng được làm từ 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…
Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành "đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả " độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.
Chả cá Nha TrangChả cá Nha Trang nổi tiếng ngon vì làm từ cá tươi. Miếng chả cá chiên vàng, thơm phức khiến khách ăn rồi vẫn thèm. Khi làm chả, người ta thường dùng cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ... nhưng ngon nhất là chả cá nhồng hương, giờ rất hiếm. Món chả cá thường được hấp hay chiên (nếu chiên thì thơm hơn nhưng hấp lại ngọt hơn). Dù chiên hay hấp, chả cá Nha Trang luôn có đặc trưng là dai, mềm và ngọt vị cá, càng đậm đà hơn nếu chấm một chút nước mắm ớt tỏi đặc.
Cách làm chả cá Nha Trang khá đơn giản, chỉ nhọc công ở khâu giã cá. Cá tươi nạo lấy thịt cùng hành, tỏi, tiêu, gia vị bỏ vào cối quết thật nhuyễn, càng nhuyễn càng dai. Nếu là chả cá hấp thì có thể cho thêm mỡ khổ xắt hột lựu, ít nấm mèo thái nhuyễn, hấp đến khi gần chín, đập thêm một quả trứng cho bề mặt có màu vàng.
Chả cá Nha Trang được vo viên tròn hay dài rồi đem chiên. Chả cá Nha Trang là nguyên liệu chính của món bánh canh, bún cá hay mì Quảng.
Chả mực Quảng NinhChả mực Hạ Long là đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh. Món này thậm chí đã lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam, căn cứ theo tiêu chí đánh giá giá trị đặc sản Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ban hành. Điều này đã chứng minh cho sự đặc sắc và hấp dẫn của món ăn này.
Quả thực chả mực Hạ Long vô cùng hấp dẫn khi được làm từ mực mai tươi với nhiều công đoạn công phu. Mực được làm sạch, lau khô rồi bỏ từng miếng một vào cối và giã bằng tay, có miếng giã kĩ, có miếng được giã hơi rối, vừa đủ để bắt dính. Đây là điều kiện để có miếng chả mực giòn hơn.
Trong khi giã, người làm thả thêm vào đó hạt tiêu vỡ để hạt tiêu mới đều được vào thịt mực, vì sau khi giã, mực sẽ bắt dính chắc, rất khó trộn.
Sau khi hoàn thành công đoạn giã, chả mực được nặn viên vừa ăn và rán sơ. Chả mực được đưa đến tay thực khách có màu vàng nhạt đặc trưng, khi ăn chỉ cần rán nóng lại là được tận hưởng vị thơm ngọt của mực tươi... Món này ăn nhậu hay ăn cùng cơm, xôi đều rất ngon lại bảo quản được lâu nên đây là đặc sản hầu như ai đến thăm Quảng Ninh, Hạ Long đều mua về để làm quà.
Chả tôm Thanh HóaTrong số các món ăn độc đáo và khó tìm ở vùng đất Bắc Trung Bộ không thể không kể đến chả tôm, món ăn mà người xứ Thanh đi xa luôn nhắc đến.
Chả tôm Thanh Hóa được làm từ tôm biển Sầm Sơn. Cách làm chả tôm không phức tạp, nhưng đòi hỏi nguyên liệu tươi ngon và bàn tay tỉ mỉ, khéo léo cùng tính kiên trì của người làm. Tôm bột không cần loại to, phải thật tươi, rửa sạch đem hấp hoặc luộc qua để dễ bóc vỏ, bỏ đầu đuôi, chỉ đen ở sống lưng, giã nhỏ. Lưu ý giã nhỏ chứ không xay nhuyễn, để khi thưởng thức vẫn cảm nhận được thịt tôm thơm ngon.
Cần thêm thịt ba chỉ rán vàng rồi băm lẫn với hành khô và bánh phở cắt nhỏ để tạo thành hỗn hợp nhân, nêm gia vị vừa ăn, cho vào chút hạt tiêu tạo vị cay thơm. Để nhân chả có màu vàng đỏ đẹp mắt, khi giã nhân thì cho thêm chút thịt gấc vào, trộn đều.
Phần vỏ ngoài của chả là bánh phở, loại dày và dai vừa phải để khi cuốn không bị rách, cắt đều mỗi miếng có chiều ngang chừng 4 cm, dài 7 cm. Người làm khéo léo rải nhân lên rồi cuốn nhẹ tay nhưng phải chắc, sao cho không bị hở và đều ngang nhau để khi nướng các miếng chả chín đều.
Chả được kẹp vào những nẹp tre tươi hoặc xếp lên vỉ nướng, nướng trên lửa than hoa. Khi có khách gọi món thì người bán hàng mới bắt đầu nướng, khách ngồi đợi sẽ thấy cô bán hàng tay quạt bếp tay lật vỉ thoăn thoắt để chả chín đều cả trong lẫn ngoài, và khi bỏ ra đĩa là những miếng chả tôm nóng hổi, lớp vỏ bánh hơi cháy, lấp ló nhân bánh vàng đỏ hấp dẫn, mùi thơm ngào ngạt.
Nước chấm ăn kèm chả tôm cũng phải đủ vị, đu đủ xanh thái mỏng, quả sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… làm dưa góp và nước mắm cốt pha loãng. Không thể thiếu rổ rau sống tươi ngon gồm rau diếp, mùi, húng…
Chả cua HuếChả cua là món ăn nổi tiếng trong ẩm thực của Huế. Chả cua được làm từ thịt cua trộn với giò sống, xay nhuyễn. Mỗi nhà hàng, quán ăn ở Huế lại có bí quyết riêng để làm ra món ăn. Tuy công thức chế biến món này đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ của người đầu bếp để cho ra sản phẩm thơm ngon nhất. Chả cua thường là nguyên liệu chính trong món bánh canh cua ở Huế.
Theo Tùng Anh (Gia đình & Xã hội)