Vận chuyển cá cơm vào bờ - Ảnh: Minh Kỳ
Trong một lần rong ruổi vùng biển Mỹ Á, tôi được người bạn mời về nhà chiêu đãi món cá cơm luộc xúc bánh tráng.
Tàu cập bến, anh cùng bạn chài vội vã chuyển những thùng cá cơm tươi rói vào bờ bán cho thương lái đưa đến tiêu thụ ở nhiều vùng miền. Rời tàu, anh mang theo vài ký cá tươi ngon cùng những người bạn lội bộ trên con đường bêtông về nhà.
Vừa đến nơi, anh đã vội nhấc nồi đun nước trên bếp rồi quay ra bên ngoài rửa sạch cá, nhổ ít rau ngò và hành lá. Khi nước sôi đều trên bếp, anh cho cá vào cùng với muối, đường, bột ngọt và tiêu xay nhuyễn.
Đợi cho nước sôi trở lại, nêm thêm gia vị cho vừa ăn rồi dùng vá vớt cá ra đĩa. Sau đó cho rau ngò, hành lá thái nhuyễn vào nồi rồi nhấc xuống khỏi bếp.
Bánh tráng gạo nướng giòn bẻ miếng vừa ăn rồi xúc cá cơm cho vào miệng nhai nghe sảng khoái cả người. Bánh tráng giòn thơm hòa cùng vị ngọt từ thịt cá "thấm” dần từ miệng xuống thực quản. Cả nhóm "gật gù” bên món cá cơm luộc xúc bánh tráng cùng ly rượu quê đậm đà hương vị.
Khi đĩa cá đã vơi, bẻ nhỏ bánh tráng cho vào chén rồi chan nước luộc cá vào rồi chậm rãi thưởng thức. Vị ngọt từ nước luộc cá hòa cùng hương thơm của rau ngò, hành lá thấm vào từng miếng bánh tráng ngấm dần trong miệng cho cõi lòng thoáng chút bâng khuâng.
Vùng biển Mỹ Á (ảnh chụp từ trên đỉnh núi Giàng) - Ảnh: Minh Kỳ
Cá cơm tươi vừa được vớt lên từ biển - Ảnh: Minh Kỳ
Với người dân quê, bữa cơm trong gia đình thường hiện diện tô canh cá cơm nấu với rau giút. Cá tươi mang về ngắt bỏ phần đầu, rửa sạch rồi cho vào rổ để ráo nước. Dạo quanh xóm xin mớ rau giút (rau rút) nổi bập bềnh trong những ao nước, nhặt rễ và bóc bỏ phần xốp trắng bám vào thân rồi sửa sạch, dùng dao thái nhỏ.
Cho cá cơm vào nồi nước đun sôi trên bếp, thêm vài lát ớt xanh để ướp vị cay vào cá đang "lửng lờ” trong nồi. Khi nước sôi trở lại dùng muỗng hớt lớp bọt bên trên rồi cho rau giút vào nồi.
Tiếp đến nêm gia vị cho vừa ăn rồi nhấc xuống khỏi bếp. Thế là đã có món canh cá cơm nấu rau giút rẻ tiền và đậm đà hương vị. Cá cơm trắng như đang "bơi lội” trong nước, ẩn mình dưới rau xanh, trông thật hấp dẫn.
Bát cơm chan canh cá cơm nấu rau giút khiến cả nhà xì xụp khen ngon, vơi đi bao phiền muộn sau những muỗng canh nóng hổi.
Cá cơm sống trong nước mặn mang hương vị của biển cả. Rau giút bập bềnh trong những ao, hồ nước ngọt mang hương vị của ruộng đồng. Có lẽ vì thế mà món canh mang hương vị đặc trưng như sự giao hòa giữa biển và bờ.
Nhiều món ăn từ cá cơm khá ngon nhưng có lẽ mặn mòi hơn cả là mắm cái cá cơm với phương pháp chế biến khá đơn giản. Rửa sạch cá để ráo nước rồi trộn đều với muối theo tỉ lệ bốn bát cá cùng một bát muối và cho vào lọ đậy kín nắp.
Sau bảy ngày cá chín ngả sang màu nâu đỏ trông rất bắt mắt, mở nắp lọ mắm tỏa hương thơm phức như mời gọi. Dùng muỗng múc mắm ra bát cho thêm tí đường cùng với ớt, tỏi thái nhỏ và ít nước cốt chanh là đã có món mắm cái dân dã, đậm đà tình quê.
Mắm cái cá cơm có thể ăn với cơm hoặc bún, dùng chấm rau hay thịt heo luộc đều ngon. Nhưng với nhiều người dân quê, món cà dái dê chấm mắm cái là "hút” cơm hơn cả.
Món cá cơm luộc xúc bánh tráng - Ảnh: Minh Kỳ
Nguyên liệu để chế biến món canh cá cơm nấu với rau giút - Ảnh: Minh Kỳ
Tô canh cá cơm nấu rau giút - Ảnh: Minh Kỳ
Đĩa cà dái dê với mắm cái - Ảnh: Minh Kỳ
Nắng xuân cho da cà dái dê (cà tím) thêm bóng láng. Đến bữa cơm, dạo ra vườn bẻ vài trái cà rồi bóc cuống, rửa sạch, dùng tay tách làm đôi, bẻ miếng vừa ăn rồi sắp vào đĩa, cạnh bát mắm cái.
Gắp miếng cà chấm vào bát mắm cái rồi đưa vào miệng nhai nghe giòn rụm. Thay cho vị mặn của mắm và vị chát của cà là vị ngọt kỳ lạ cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Cắn thêm con mắm rồi nhẩn nha nhai để cảm nhận hương vị mặn mà của đại dương bao la.
Nhiều người cứ "gật gù” khi thưởng thức món ăn đơn sơ, dân dã, khen ai là người đầu tiên kết hợp mắm với cà.
Với giá mỗi ký chỉ mươi nghìn đồng nên loài cá này thường "len lỏi” vào bữa cơm của nhiều gia đình như mang lộc biển đến với mọi nhà cho đời thêm ý vị.
MINH KỲ
Theo http://dulich.tuoitre.vn