Tại Ấn Độ, một số lượng lớn các công trình kiến trúc tuyệt đẹp đang dần dần bị hủy hoại. Nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến những công trình này. Đó là những công trình giếng nước bằng đá độc đáo có độ sâu đến mười tầng.
Ba mươi năm trước, nhà báo Victoria Lautman đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của mình đến đất nước này và phát hiện ra nhiều công trình đặc biệt ấn tượng. Những công trình kiến trúc khổng lồ này được thiết kế để có thể khai thác nước ngầm và nước mưa trong khu vực.
Hàng nghìn giếng nước đã được xây dựng tại Ấn Độ khoảng giữa những năm 200 và 400 như các những mương nước bình thường, sau đó dần dần chúng được phát triển thành những công trình kỹ thuật và nghệ thuật phức tạp hơn rất nhiều.
Những giếng nước đã trở thành biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu, do các nhà hảo tâm giàu có và quyền lực xây dựng, nhiều người trong số họ là phụ nữ.
Cấu trúc giếng ngầm dưới lòng đất là "máy bơm" nước ngầm sâu. Để thuận tiện cho việc lấy nước, bên cạnh hố nước bằng đá có một cầu thang dài và hệ thống bên hông, trong đó nước sẽ chảy ra qua một khe hở đặc biệt.
Vào mùa mưa, những giếng nước này biến thành bể chứa khổng lồ đầy nước. Đây là hệ thống trữ nước độc đáo đã được sử dụng trong suốt một thiên niên kỷ.
Việc lấy nước ngầm không kiểm soát đã làm khô cạn hầu hết các giếng nước ở Ấn Độ. Ngày nay, nhiều công trình trong số đó đã bị bỏ hoang hoàn toàn.
Một số ít công trình cách không xa các tuyến du lịch vẫn được duy trì trong tình trạng tốt. Nhưng đa số các công trình độc đáo này từ lâu đã mọc đầy cỏ dại, một phần bị đổ sập hoặc được sử dụng làm bãi rác. Không may, nhiều công trình trong số đó đã vĩnh viễn biến mất trên tất cả các bản đồ.
Theo Đức Dũng / Infonet