Tràng AnTràng An là một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất của Ninh Bình hiện nay. Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp của Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới. Khung cảnh nơi đây được tạo nên từ dòng sông chạy uốn lượn qua các dãy núi đá vôi, tạo thành vô vàn những hang động tự nhiên huyền ảo, kỳ bí.
Tràng An là một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất của Ninh Bình hiện nay. Ảnh: Travelsense.asia
Những vách núi đá trùng điệp tại Tràng An. Ảnh: Skyscrapercity.com
Lúa chín vàng rực ở danh thắng Tràng An. Ảnh: TTXVN
Tới Tràng An, du khách sẽ được ngồi trên con thuyền lướt nhẹ qua các dãy núi, ngắm nhìn làn nước trong vắt tới đấy, khám phá những hang động với những tên gọi đặc biệt mang ý nghĩa riêng như: hang Sáng, hang Tối, hang Nấu Rượu, hang Địa Linh…
Tam Cốc - Bích ĐộngTam Cốc - Bích Động nằm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, nơi đây còn được ưu ái gọi là "vịnh Hạ Long trên cạn” hay "Nam thiên đệ nhị động”. Tam Cốc, có nghĩa là "ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi.
Bến nước xuất phát đi Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Wolf
Thiên nhiên nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ảnh: hoabinhtourist
Cũng giống như Tràng An, để đi tham quan Tam Cốc, du khách phải đi bằng thuyền, xuôi theo dòng sông Ngô Đồng thơ mộng, nước trong vắt tới đấy để chiêm ngưỡng lần lượt 3 hang. Khung cảnh Tam Cốc nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa của đá và nước. Các ngọn núi với ở đây mang những hình thù đa dạng, nối tiếp nhau, ngọn này đến ngọn khác.
Vân LongKhông chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là "vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.
Vịnh không sóng Vân Long. Ảnh: ST
Những dãy núi sừng sững giữa vùng cỏ lác um tùm ở Vân Long. Ảnh: Chuck Kuhn
Hang Bóng tuyệt đẹp - Ảnh: Andre Luu
Khu Vân Long có 1000 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m, hang Duối 4 tầng, hang Cánh Cổng…
Vườn chim Thung NhamVườn Chim Thung Nham nằm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, là một trong những điểm du lịch hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, tâm linh, cảnh quan và đa dạng sinh học. Bên cạnh cảm giác thú vị khi ngồi trên thuyền, chiêm ngưỡng khu đầm, du khách còn được khám phá cuộc sống hoang dã của gần 40 loài chim với khoảng 50 ngàn con.
Khung cảnh bình yên ở Vườn chim Thung Nham. Ảnh: 123phuot.com
Tới đây du khách sẽ được khám phá cuộc sống hoang dã của gần 40 loài chim. Ảnh: ST
Vườn Chim Thung Nham đẹp nhất là khi mỗi buổi hoàng hôn về, từng đàn, từng đàn cò trắng bay lượn, trú ngụ kín cả một vùng đất ngập nước, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp nguyên sơ kỳ thú khó có thể có nơi nào có được.
Vườn Quốc Gia Cúc PhươngVườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm du lịch nổi tiếng về sinh thái, môi trường. Cúc Phương thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách hàng năm. Du khách đến đây để khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Trung tâm vườn đặt tại xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình.
Con đường tuyệt đẹp bên trong Vườn quốc gia Cúc Phương. Ảnh: ST
Nhiều thú hoang dã quý hiếm trong Vườn Quốc gia. Ảnh: ST
Trong khuôn viên rừng có một số tuyến điểm du lịch sau: Động Người Xưa, hang Con Moong, động Trăng Khuyết, động Sơn Cung, động Phò Mã, động Thủy Tiên, đỉnh mây bạc, hồ Yên Quang, động Phò Mã …
Theo T.H (Người lao động)