Du lịch khắp nơi - DULICHKHAPNOI.VN

Chút bình yên Thiên Cầm

09/10/2015

Thật khó có thể tin được trên mảnh đất miền Trung nhọc nhằn và dãi dầu nắng gió, lại có một bãi biển với cái tên đẹp như thơ, nhưng không chỉ đẹp ở cái tên mà còn nhiều hơn thế. Đó chính là Thiên Cầm.


Bãi biển Thiên Cầm - Ảnh: Băng Giang

Tương truyền khi vua Hồ Quý Ly đi thị sát qua đây tưởng như đang được nghe một bản hòa tấu du dương của sóng biển, gió núi và lá cây rừng nên đã đặt tên cho vùng đất này là "đàn trời - Thiên Cầm”. Một huyền thoại đẹp đẽ và một vùng đất đẹp đẽ như minh chứng.

Bãi biển Thiên Cầm ngày nay thuộc huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, cách thủ phủ tỉnh chừng 20km xuôi về phía đông nam. Đây là bãi biển còn khá hoang sơ, dịch vụ du lịch chưa phát triển, một phần vì khoảng cách quá xa nếu đến và đi từ hai đầu đất nước.

1. Chúng tôi lái xe một mạch từ Hà Nội vào đến Thiên Cầm thì trời đã sập tối. Biển cuối mùa hè nên khá vắng khách, bãi cát mênh mang chỉ có sóng vỗ bờ ì oạp, những cây nấm rơm nấp mình vào bóng tối.

Trên bờ không nhiều quán ăn sáng đèn, khách sạn cao tầng cũng nhiều ô cửa tối om. Khách sạn Sông La nằm gần cuối bãi biển nhưng lại là khách sạn duy nhất ở đây đi hết khoảng sân sẽ tới ngay bờ cát.

Đêm ngủ quên trong tiếng sóng biển rì rào, xa xa đèn câu mực nhấp nháy như những vì sao. Tôi chợt nhớ đến Axon trong trắng và câu chuyện về cánh buồn đỏ thắm, liệu sáng mai khi tỉnh dậy có cánh buồm nào ngoài biển sẽ đợi tôi?

Thiên Cầm được coi là điểm đến mới của dân du lịch phía Bắc, ở miền Nam do có quá nhiều bãi biển đẹp nên đây có lẽ không phải là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nếu có việc ghé qua Hà Tĩnh, bạn hãy thử dừng chân Thiên Cầm tìm cho mình một chút bình yên.


Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - Ảnh: Đức Hùng

2. Mặt trời bửng tỉnh ở đằng đông, mang cái nắng bỏng rát đã được đóng "thương hiệu" miền Trung phủ lên Thiên Cầm. Thủy triều rút ra khá xa, để lại một bờ cát rộng thênh thang, rộng tới mức những du khách cuối mùa thấy mình trở nên quá bé nhỏ.

Sóng lặng và trong vắt, nhìn xuống đáy cát như thấy nắng đang nhấp nhánh sáng. Chúng tôi ùa vào lòng biển, do nước biển ở đây khá mặn nên mấy cô gái vốn không biết bơi lại tập nổi thành công, thư thái nhắm mắt tận hưởng sự tự do của cơ thể mặc kệ cho sóng biển xô đẩy.

Đám trẻ lội nước trên bờ cát mịn màng với những sóng cát lăn tăn, chạy ra chạy vào thích thú hò reo. Có nhiều dịp khám phá biển Bắc Trung bộ nhưng chưa thấy nơi nào lại bình yên và êm ả như Thiên Cầm.

Bầu trời xanh gắt như muốn hòa mình vào lòng biển lặng càng khiến bức tranh "đàn trời” thêm mơ mộng và trong trẻo. Nắng đã đốt cháy hai vai mà chúng tôi chưa đứa nào muốn lên bờ.

Bữa sáng muộn trở thành buổi hàn huyên rôm rả với cô bán hàng ngày đầu tuần vắng khách. Những đường ngang ngõ tắt từ biển Thiên Cầm qua Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh được vạch ra, chỉ bảo cho chúng tôi lối băng làng ra quốc lộ 1.

Đành để chuyến câu mực đêm thành kế hoạch dự phòng cho lần quay trở lại sau khi cân nhắc lộ trình, bởi để tham gia một chuyến câu mực gần bờ, phải dành thời gian từ chập tối cho đến sáng sớm mai kìa, không thu xếp trước sẽ dễ lỡ giờ ra biển của ngư dân.


Một điểm đến mang lại sự hài lòng cho du khách, đặc biệt với nhóm du khách gia đình - Ảnh: Đức Hùng


Chút bình yên - Ảnh: Băng Giang

3. Tạm biệt Thiên Cầm, chúng tôi lái xe bon bon trên con đường làng còn đang gập ghềnh đất sỏi, mùi biển mặn mòi trong hơi thở. Tiếng hát Thu Hiền vang lên trên loa, ấm áp như chính giai điệu của "một khúc tâm tình - ai đi xa mô đó, có biết nhớ lấy đường về?”.

Hẳn là bố tôi sẽ nhớ ông ngồi chăm chú nhìn qua cửa xe ngắm nhìn quê hương đang thay da đổi thịt, ký ức tuổi thơ đan xen lẫn lộn trong từng câu nói ngắt quãng "Ngày xưa bố từng...”.

Bắc qua Cửa Nhượng là cây cầu Cửa Nhượng rộng dài, to đẹp. Đây là cây cầu nối hai xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh thuộc dự án đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, cây cầu dài nhất trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ và là cây cầu đường bộ dài thứ hai ở miền Trung sau cầu Đà Rằng (Phú Yên).

Đứng trên cầu nhìn về bờ nam Cửa Nhượng là nơi ngọn đèn biển Cẩm Lĩnh với nhiệm vụ giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng ven biển Hà Tĩnh định hướng và định vị hằng ngày, được đưa vào hoạt động từ năm 1967.

Cửa Nhượng hiền hòa, trong trẻo. Những con thuyền neo mình trên bờ nước cạn. Thiên Cầm đã ở lại phía sau lưng. Nhưng chút bình yên của "đàn trời” vẫn đang theo chúng tôi đi tiếp hành trình xẻ dọc miền Trung...


Trên cầu Cửa Nhượng - Ảnh: Đức Hùng


Một góc Cửa Nhượng, nơi sông Lạc Giang đổ ra Biển Đông - Ảnh: Băng Giang


Nhìn về phía hải đăng Cẩm Lĩnh - Ảnh: Băng Giang

* Thông tin cho bạn:

- Phương tiện đi lại: Từ Hà Nội bạn có thể đón xe giường nằm của nhà xe Cường Cày hoặc Gia Anh về thẳng Thiên Cầm. Bạn cũng có thể đi tàu/xe khách tới Hà Tĩnh, đi xe buýt tới thị trấn Cẩm Xuyên rồi đi taxi hoặc xe ôm ra biển (khoảng 10km).

- Khách sạn: Dọc bãi biển Thiên Cầm có một hệ thống khách sạn nhà nghỉ với giá phòng khá phải chăng (từ 250.000 đồng/phòng trở nên), dịch vụ vừa đủ, mùa cao điểm vào tháng 5, 6, 7 cần phải đặt phòng trước vì nhu cầu tăng cao.

- Ăn uống: Các dịch vụ ăn uống kèm theo cũng khá phát triển, giá cả niêm yết rõ ràng, không xảy ra hiện tượng "chặt chém", nhân viên nhiệt tình, chu đáo và chân thật, sẵn sàng chia sẻ các thông tin cho du khách.

- Các hoạt động vui chơi giải trí khác: Ngoài việc nghỉ ngơi, thư giãn bơi lội và tắm biển, du khách có thêm một vài lựa chọn khác như thuê tàu đi tham quan đảo Bớc, đảo Én. Thuê tàu đi câu mực đêm, tham quan chùa Cầm Sơn trên núi Thiên Cầm, đi xe điện hoặc xe đạp đôi dạo dọc phố biển.

BĂNG GIANG
Theo tuoitre.vn

Tag:

Viết bình luận: