Phở (Việt Nam): Chuyên trang du lịch, ẩm thực Travel Channel từng điền tên phở vào danh sách những món ăn "nhất định phải thử trên thế giới" năm 2017. Nhiều tờ báo nước ngoài cũng luôn nhắc về phở như một "quốc ẩm" không chính thức của Việt Nam. Phở có ở cả ba miền nhưng phở Hà Nội vẫn được xem như phiên bản chuẩn nhất. Thành phần chính của món này gồm có bánh phở, thịt và nước dùng được hầm bằng xương bò (hoặc gà nếu làm phở gà), kết hợp với nhiều loại gia vị khác như quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương...
Cheeseburger (Mỹ): Bản gốc của burger bắt nguồn từ Hamburg (Đức) nhưng người Mỹ đã biến món ăn này thành biểu tượng bằng một lát cheese kẹp giữa hai miếng bun. Họ mất nhiều thời gian để nghĩ đến điều này và phần còn lại của câu chuyện đã trở thành nét văn hóa độc đáo ở xứ cờ hoa. Cheesebuger nâng món burger thường lên một tầm cao mới. Vị thơm béo, dai dai của phô mai kết hợp cùng miếng thịt nướng mềm, kèm theo các loại rau, tất cả đã tạo nên món ăn khiến bao người mê mệt.
Pizza (Italy): Món ăn này đã trở nên phổ biến toàn cầu nhưng bạn khó có thể tìm thấy nơi nào mà pizza ngon hơn Italy. Pizza không có quy chuẩn chung nào, bởi phần nhân trên mặt bánh sẽ được biến tấu để phù hợp với gout ẩm thực mỗi vùng. Tuy nhiên, tại Italy, quê hương của pizza, "Margherita" vẫn được xem là loại chuẩn mực nhất khi được đặt theo tên nữ hoàng Margherita Teresa Giovanni, hoàng hậu của vua Umberto I. Nguyên liệu làm "Margherita" cũng khá đơn giản, chỉ gồm sốt cà chua, phomai mozzarella bào mỏng, lá húng quế và dầu oliu nguyên chất.
Vịt quay Bắc Kinh (Trung Quốc): Vịt quay Bắc Kinh ngày nay có khá nhiều phiên bản khác nhau trên thế giới. Món này vốn chỉ dành cho hoàng gia và mãi đến đời nhà Thanh mới xuất hiện trong các mâm cơm của giới quý tộc. Vịt quay Bắc Kinh ngon không chỉ ở phần thịt mà còn nhờ lớp da quay giòn bóng kết hợp với nước chấm đặc trưng. Bên cạnh vịt quay truyền thống, món ăn này còn có một số biến thể khác như vịt nướng, da vịt ăn kèm gan ngỗng...
Cơm gà Hải Nam (Singapore): Năm 2011, CNN từng điền tên cơm gà Hải Nam vào danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới. Món này nổi tiếng không chỉ ở Singapore mà còn ở Malaysia. Thậm chí, học giả của hai quốc gia từng có cuộc tranh luận dữ dội xem món ăn này xuất phát từ đâu nhưng không có kết quả. Với phiên bản Singapore, đôi khi cơm gà Hải Nam còn được ăn kèm cùng nước cốt dừa.
Bánh mì Baguette (Pháp): Trong vô số món bánh trứ danh mà người Pháp đem ra thế giới, với họ, bánh mì truyền thống vẫn là thứ gây nghiện nhất. Họ có thể "nhét" bánh mì ở bất kỳ đâu, từ túi xách, balo, giỏ xe đạp hay thậm chí là kẹp luôn vào nách. Người Pháp có tình yêu mãnh liệt với bánh mì đến độ họ còn đưa ra một bộ luật để công nhận một chiếc bánh mì đạt chuẩn (chiều dài, cân nặng, thành phần, vệ sinh...). Năm 2018, những người thợ làm bánh còn tổ chức hẳn một cuộc vận động, yêu cầu UNESCO công nhận bánh mì Baguette truyền thống là di sản văn hóa.
Kimchi (Hàn Quốc): Món ăn từ dưa chua này không đơn giản như hình thức bên ngoài mà còn mang tính biểu tượng văn hóa quốc gia. Người Hàn Quốc "nghiện" kimchi và gần như có thể ăn kimchi với bất kỳ món ăn nào. Năm 2010, một cuộc khủng hoảng về giá cải thảo Napa xảy ra ở Hàn Quốc. Nguyên liệu chính của món ăn bị tăng giá đột biến khiến kimchi trở nên khan hiếm. Nhiều tờ báo gọi đây là "bi kịch quốc gia" và "cuộc khủng hoảng chỉ xảy ra một lần trong cả thế kỷ".
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật