Du lịch khắp nơi - DULICHKHAPNOI.VN

Bắc Kạn có một thứ quà không ai dám... 'ăn vụng'

21/12/2016

Bạn ở Bắc Kạn, cứ đến mùa này là gửi xe khách xuống cho vài chục cân quýt hôi, thứ quả ăn chơi mà muốn “ăn vụng” là điều không tưởng, bởi mùi hương “thần thánh” không loại quýt nào có được.

Mùa quýt hôi Bắc Cạn - Ảnh: Thủy OCG

Cuối năm dương lịch, dọc theo quốc lộ 3 từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, những hàng quýt dân dã kê bán dọc hai bên đường khiến nhiều lái xe không thể không dừng lại.

Vốn quýt hôi mỗi năm chỉ có một mùa, không ăn nhanh thì hết.

Túi lớn túi bé, vừa để thưởng thức cái vị rôn rốt chua chua ngọt ngọt, vừa để nhấm nháp cái thứ vỏ đầy tinh dầu để đánh lừa khứu giác qua cơn say xe đường trường, vừa để làm quà.

Người bán hàng nói chắc như đinh đóng cột: “Đây là quýt Quang Thuận, ngon nhất Bắc Kạn”. Cây quýt hôi mười năm trở lại đây là cây công nghiệp xóa đói giảm nghèo giúp dân Bắc Kạn làm giàu bền vững.

Thoạt tiên là cây ăn quả truyền thống của vùng, sau được nhân ra trồng và tiêu thụ trên diện rộng, được ưa chuộng và trở thành “thương hiệu nông sản”.

Trên địa bàn ba huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể có đến hơn 50% diện tích trồng quýt tập trung ở xã Quang Thuận (Bạch Thông), nơi được coi là vựa quýt của cả tỉnh.

Hèn nào, chủ hàng phải giới thiệu ngay với khách lữ hành về nguồn gốc đặc sản của mớ quýt hôi kia, lại còn cam đoan bà con không hề dùng chất kích thích trong quá trình chăm sóc hay sử dụng hóa chất bảo quản sau khi thu hoạch, đảm bảo đạt chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mùa quýt hôi Bắc Cạn - Ảnh: Thủy OCG

Nghe lời quảng cáo vừa dễ thương vừa chân thật của một người bán hàng ở xã Tú Trĩ ngay dọc quốc lộ 3, bạn tôi phì cười bảo cho thêm túi nữa để “nhặt cho chặt bị”.

Quýt Bắc Kạn về cảm quan có thể phân biệt được với các giống quýt khác nhờ vào hình dạng quả. Thông thường, quýt Bắc Kạn có hình tròn dẹt, đường kính khá lớn, từ 7 - 9cm, bề cao chừng 4 - 5cm.

Vỏ chín có màu vàng, quả già có độ rám nhẹ, cầm lên cảm được độ xốp rỗng giữa vỏ và múi.

Quýt bóc ra có múi to, mọng nước, vị chua chua ngòn ngọt, dịu nhẹ, xơ dễ tước, hạt nhỏ. Mùi tinh dầu trong vỏ quýt hôi thì khỏi tả, thơm phức, mạnh hơn hẳn các loại quýt khác, một đặc trưng điển hình của quýt hôi.

Chiếc xe chạy qua đèo Gió trên địa phận Ngân Sơn. Điều hòa tắt đi và cửa kính xe hạ xuống, đón những cơn gió lạnh ùa về từ trên đỉnh núi. Mùi vỏ quýt không vì thế mà mất đi, vẫn vấn vít trong khoang xe đang đầy gió và nhạc.

Không ai trong chúng tôi có thể lý giải nổi tại sao một thứ quả có hương vị nồng nàn và rực rỡ đến thế, lại mang một cái tên hết sức ngược đời - “quýt hôi”. Rõ là không “hôi” chút nào, mà thậm chí còn quá ư là thơm thảo, với hương tinh dầu ấm áp, quyện chặt và bền lâu.

Chỉ biết, chính bởi hương vị đậm đà của vỏ quýt hôi, mà thứ vỏ này đã trở thành một nguồn nguyên liệu quý giá trong việc điều chế các vị thuốc đông y, và một trong những món ăn điển hình không thể thiếu vỏ quýt hôi ở miền Bắc, chính là món chả rươi danh bất hư truyền.

Quýt hôi - món quà không để “ăn vụng” - Ảnh: Thủy OCG

Ở miền Bắc, nhiều vùng có giống quýt thơm ngon như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Tuy nhiên do thổ nhưỡng nên chất lượng quýt giữa các vùng cũng không giống nhau hoàn toàn.

Người ta có thể nhớ đến những thung lũng quýt ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) hay Trà Lĩnh (Cao Bằng), nhưng quýt hôi Bắc Kạn mới thực sự đặc biệt.

Và bạn, nếu cuối năm dương lịch có dịp chạy qua quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, đừng quên bỏ vào trong xe thứ hương vị đặc sản của một miền đất: quýt hôi.

Thưởng thức quýt hôi Bắc Kạn để thấy thêm ấm nồng trên những chặng đường xa.

THỦY OCG - Theo tuoitre.vn

Tag:

Viết bình luận:

Các món ăn ngon ở Bắc Kạn