Măng Sặt là một đặc sản chỉ có ở một số tỉnh vùng núi Tây Bắc - Ảnh: N.T.Lượng
Măng sặt mọc nhiều trên núi cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai... Măng mọc thành từng cụm dày, sinh sản rất nhanh, cứ trồi lên khỏi mặt đất rồi đâm tua tủa. Ngọn măng nhọn, dong dỏng cao, lá nhỏ.
Với người dân vùng Tây Bắc măng sặt là một đặc sản mà núi rừng ban tặng, từ lâu đã có mặt trong vốn ẩm thực truyền thống. Thưởng thức dù chỉ một lần món ăn dân dã này ai cũng nhớ tới hương vị đặc trưng của núi rừng xa xôi.
Loại măng này dễ nhận biết bởi thân nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay cái, vỏ bóng, màu xanh pha màu lam vàng.
Vào mùa măng sặt mọc, người dân bà con lại đeo gùi lên núi hái măng. Từ cảnh những cô sơn nữ đeo gùi đi hái măng đến cảnh người dân xúm quanh hàng măng sặt dọc chân núi làm khung cảnh cuộc sống núi rừng thêm gần gũi, ấm áp.
Khi bóc măng để chế biến, bà con thường dùng lưỡi dao mỏng, sắc lia nhẹ dọc thân măng, để lộ màu trắng nõn của lõi rồi dùng tay bóc toàn bộ lớp vỏ còn lại.
Là một đặc sản đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, măng sặt được chế biến thành nhiều món ngon và đặc trưng. Thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Măng sặt được bó thành từng bó nhỏ - Ảnh: N.T.Lượng
Ngọn măng Sặt ở Tây Bắc tuy nhỏ nhưng ngon và tinh túy - Ảnh: N.T.Lượng
Với món măng sặt om xương, măng đã bóc vỏ để nguyên ngọn dài khoảng một gang tay. Xương sườn chặt vừa miếng cho vào xào cùng măng trên bếp lửa. Xào chừng 10 phút cho măng và xương ngấm gia vị, cho nước xâm xấp măng rồi đậy vung om khoảng 1 giờ.
Khi cả măng và xương đều mềm thì thêm gia vị cho vừa ăn là được. Món này ngon ở vị giòn, bùi, ngọt của măng sặt, vị thơm, béo của xương sườn.
Thứ hai là món măng sặt xào. Măng sặt được bóc vỏ, đập giập trên thớt gỗ hoặc thái lát sau đó xào với lòng gà hay thịt bò đều hấp dẫn. Món xào hấp dẫn và nổi bật ở cái giòn sần sật và mùi vị của măng hòa với lòng gà hay thịt bò.
Thứ ba là món măng sặt luộc. Món này đơn giản bởi sau khi măng đã được bóc sạch vỏ chỉ cần cho vào nồi luộc chừng 30 phút là đã có ngay một món "rau" tươi ngon.
Măng sặt luộc để cả ngọn nên ăn có vị giòn, thơm, nhân nhẫn và ngọt bùi. Đặc biệt, chấm với muối vừng hoặc mắm tôm dư vị càng thêm đậm đà.
Ngoài các món ăn quen thuộc, măng sặt còn được người dân Tây Bắc chế biến thành các món độc đáo và hấp dẫn như món sặt nướng trên than củi, măng sặt lam cùng cá suối trong ống nứa, măng sặt hầm cá, hay măng sặt ngâm chua cay...
Tất cả đều nổi bật ở vị giòn, thơm của măng sặt hòa cùng dư vị của các món ăn kèm.
Măng sặt sau khi được bóc vỏ có màu trắng - Ảnh: N.T.Lượng
Món măng sặt om xương heo - Ảnh: N.T.Lượng
Hấp dẫn món măng sặt nướng trên than hồng - Ảnh: N.T.Lượng
NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Theo http://dulich.tuoitre.vn