Nằm trên một con đường ở ngoại ô, nương vào một hẻm dốc, Cổ café bình dị mà cuốn hút, như một ngôi nhà nhỏ với mái dốc và những vật liệu thô mộc.
Con hẻm dốc tới mức lối vào của quán là nằm ở tầng lầu, còn dưới dốc nữa mới là tầng trệt. Cấu trúc quán dựa trên địa hình tạo nên một cảm giác khá thú vị cho khách ngồi nơi đây.
Bên trong, chất liệu chủ đạo của quán là gỗ với khung mái và trần gỗ, tường ốp gỗ và bàn ghế nội thất đều bằng gỗ.
Chất liệu gỗ gợi sự ấm áp thâm trầm đậm chất phố núi cao nguyên.
Cấu trúc mặt bằng, vật liệu và cách thức trang trí khéo léo tạo nên một sự hoà hợp khiến không gian của quán bắt mắt và gần gũi. Bên những góc ngồi đều có những ô cửa sổ tràn ngập ánh sáng trời.
Quán giống như cửa hàng trưng bày với những món đồ được trang trí vừa đủ để gợi nên một âm hưởng hoài cổ, một sự cũ kỹ thi vị. Cũng như nhiều quán cà phê khác, "Cổ” không đông đúc ồn ào, lúc nào cũng nhẹ nhàng tĩnh lặng và lãng đãng theo cách rất riêng.
Từ ô cửa sổ có thể nhìn thấy triền dốc thấy nhà cửa lô xô ở gần, đồi núi mờ mờ phía xa, nhìn được cả tháp chuông ở công trình Trường Cao đẳng Sư phạm nổi tiếng. Đi xuống tầng trệt qua một cầu thang nhỏ, một không gian nhỏ khác hiện ra với ô cửa nhìn ra mảnh vườn tràn ngập màu xanh.
Ở quán có những chiếc xe máy vốn thô kệch và cồng kềnh được lồng ghép trong không gian nhỏ bé lại rất hoà hợp.
Quán được chia ra thành những góc nhỏ tạo nên sự riêng tư với những thứ đồ trang trí ngăn cách ước lệ.
Đồ cổ ở đây có nhiều loại, từ những chiếc loa, điện thoại...
... cho tới những chiếc đèn, máy chữ, máy ảnh.
Ngồi ở "Cổ” người ta càng cảm nhận ở Đà Lạt dường như trôi chậm hơn. Đôi khi không gian trầm mặc của quán như ẩn giấu một nỗi buồn.
Khách ngồi lặng yên, tư lự chưa hẳn là để thưởng thức cà phê, mà như gửi gắm nỗi niềm nào đó. Để rồi khi ra về hay rời Đà Lạt vương vấn một chút gì đó.
Bài và ảnh: Hà Thành
Theo http://dulich.vnexpress.net