Những hồ Rồng dạng chóp nón như núi lửa
Cũng những dòng chất lỏng sền sệt phun trào kèm theo bọt khí phì phò trên miệng hồ dạng chóp nón, nhưng không rực đỏ như thường thấy ở các núi lửa hoạt động mà lạnh ngắt, trắng xám. Những hồ Rồng ở Magwe độc đáo và hiếm thấy hơn cả những ngọn núi lửa thật sự cứ thi thoảng nhảy lên các trang báo...
Ở xứ sở không có tên trên bản đồ du lịch
Là thủ phủ phân khu cùng tên lớn thứ nhì trong 7 phân khu hành chính của Myanmar, Magwe không nằm trong bản đồ du lịch nào của xứ này, chứ nói gì đến khách quốc tế đi tour.
Nằm cách miền ngàn đền đài Bagan nổi tiếng chỉ 150km, là cửa ngõ trung chuyển để đến đó cũng như các cố đô Mandalay, Pyay..., thành Magwe lại rất yên ắng.
Trên hành trình từ Bagan tìm đến cổ thành Pyay, tôi xuống xe ở đây khá sớm, nhưng phải đến chiều muộn mới có xe từ Yangon tạt ngang rước khách đi tiếp đến Pyay.
Hai bạn trẻ Hà Lan thích chí với hồ Rồng lạ lẫm - Ảnh: Thái Trần
Thế là tự nhiên được “khuyến mãi” hơn nửa ngày không biết làm gì. Rủ rê hai bạn trẻ Hà Lan cùng chờ xe đi Pyay chia sẻ tiền xe lôi cho tiết kiệm, từ bến xe ở ngoại ô, chúng tôi tò mò hướng về phố thị Magwe.
Xe tạt ngang xóm nhỏ ven đường, đón thêm đứa nhóc cháu chắt của anh tài xế “để cho nó đi phố chơi cho vui vì lâu rồi nó chưa được đi!”.
Dòng Irrawaddy hùng vĩ nhìn từ Mya Tha Lun Paya -Ảnh: Thái Trần
Nằm ngay bên dòng Irrawaddy cuộn sóng, phố thị nhiều cây xanh ngắt Magwe dựng xây khá nhiều chùa chiền soi bóng bên con sông ngày mưa mùa vàng sánh phù sa.
Trong đó nổi bật là Mya Tha Lun Paya, ngôi chùa lớn nhất vùng được xây lại vào năm 1929, trên di tích ngôi chùa cổ có từ thế kỷ 11 đã bị sụp vì trận động đất năm 1847.
Nằm trên ngọn đồi cao, ngôi chùa - có thể xem như một cụm công trình với nhiều kiến trúc đa dạng - là niềm tự hào của người địa phương.
Điểm khá lạ của Mya Tha Lun Paya là những câu chuyện về luân hồi, nghiệp duyên được mô tả sinh động không phải bằng tranh vẽ, mà là các pho tượng.
Khá đậm sắc họa người Miến cũng như chăm chú chi tiết đến từng nét nhỏ, đem đến sự thích thú cho mấy bạn trẻ phương Tây.
Thế nhưng dù là ngôi chùa lớn, thiêng nhất miệt này, tôi vẫn háo hức chờ đến Nga Ka Pwe Taung. Vì nói nào ngay, gần cả tháng trời lang thang bên đó nên việc viếng thăm đền chùa cũng đã kha khá, nếu không muốn nói là quá nhiều.
Những vị sư đi viếng Mya Tha Lun bằng những con đò ngang sông Irrawaddy. Ảnh: Thái Trần
Gia tộc rồng
Nga Ka Pwe Taung, các hồ Rồng theo cách gọi của người bản địa, nằm bên kia dòng Irrawaddy, ở ngôi làng Minbu vắng vẻ.
Hôm đó, tò mò lật sổ lưu trú đếm thử, thấy trung bình chỉ 10 khách nước ngoài ghé đây mỗi tháng dù quả thật đây là điểm đến rất lạ, chưa từng thấy trên bước đường lang bạt nào giờ.
Bốn chiếc hồ nằm kề nhau, lớn nhỏ đều có tên các hoàng tử, công chúa rồng. Hồ lớn nhất là Thu Sei Ta với đường kính chừng 5m, nhỏ hơn là Nanda... hồ nhỏ nhất chỉ vài tấc, nhưng đều phun “nham thạch” và phì phò bong bóng.
Những bong bóng khí liên tục bùm bụp ở hồ Rồng - Ảnh: Thái Trần
Hồ lại không chứa nước, mà là bùn sánh, màu xám trắng. Bùn cứ sôi sùng sục, bùm bụp nổ, thả ra những bong bóng khói - y chang khói sương những ngày tôi lang thang mấy núi lửa đang phì phò ở Philippines, Indonesia...
Lũ bùn sánh bên cạnh việc bùm bụp nhả khói còn bị đùn đẩy lên, theo các khe nứt quanh miệng hồ hình chóp nón rỉ rả chảy xuống chẳng khác mấy nham thạch núi lửa phun trào hay thấy trong tivi. Nhưng chúng lạnh ngắt, dù giữa xế trưa nóng muốn phát khùng.
Được gọi là hồ Rồng vì truyền thuyết địa phương cho rằng những bọt khí đó là hơi thở của các hoàng tử, công chúa rồng. Còn theo các nhà khoa học thì hiện tượng đó cũng không khó hiểu lắm, vì phân khu Magwe này nổi tiếng với trữ lượng cao các khí gas, dầu mỏ sâu dưới lòng đất.
Những pho tượng lý thú trong Mya Tha Lun Paya kể chuyện nghiệp duyên, nhân quả rất cuốn hút -Ảnh: Thái Trần
Cảnh quan lạ, khách cứ xông thẳng lên miệng hồ thò chân vào “nham thạch” hí hửng chụp hình. Kể cả mấy chú tiểu ghé thăm hồ Rồng cũng tung tăng vén cà sa lượt thượt ngâm chân “núi lửa lạnh” đặng lấy dáng.
Món xa lát trà xanh độc đáo xứ Miến với "phiên bản Magwe" hơi là lạ. -Ảnh: Thái Trần
Ông thủ từ hiền lành trông coi ngôi chùa nằm kế bên và luôn cả hồ Rồng chân tình mời chúng tôi vô làng chơi “vì cũng khá lâu mới có khách ghé thăm”. Cả anh tài xế cũng rủ rê ghé xóm. Nhưng sắp tới giờ phải đón xe từ Yangon lên, chúng tôi phải về bến.
Quãng thời gian lúc ban đầu nghĩ là bị cưỡng-bức-khuyến-mãi ở Magwe, giờ trở thành trải nghiệm hiếm gặp trên bước đường lang bạt. Thú vị làm sao!
Cửa ngõ hai cố đô
Magwe, còn viết cách khác là Magway, nằm cách Bagan 150km với chừng 3-4 giờ xe đò bình dân (100.000 - 120.000 đồng), không có xe chất lượng cao chạy tuyến này. Còn nếu đi từ Yangon, sẽ mất chừng 10 giờ (khoảng 200.000 đồng) cho cung đường xa 532km.
Magwe được xem là cửa ngõ để đi đến hai miền đất rất đẹp, rất nhiều di tích cổ xưa nhưng chưa được du khách tìm đến nhiều là Pyay và Mrauk-U, đều từng là những cố đô xa xưa.
Bài và ảnh: THÁI TRẦN
Tag:
Viết bình luận:
Tour nổi bật