Du lịch khắp nơi - DULICHKHAPNOI.VN

Bánh mướt - đặc sản ít người biết khi đến Nghệ An

22/02/2019

Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam.

Bên cạnh những món chế biến từ lươn vốn đã nổi tiếng, bánh mướt là một đặc sản khác ở Nghệ An. Người sành ăn ở đây thường đến huyện ven biển Diễn Châu - nơi có nhiều gia đình theo nghề làm bánh đã nhiều thế hệ. Với người vùng này, đây là thức ăn sáng quen thuộc trước khi bắt đầu một ngày mới.

Bánh mướt - đặc sản ít người biết khi đến Nghệ An

Bánh mướt là đặc sản dễ tìm ở Nghệ An

Gần 5h sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, con đường làng đi sâu vào những cánh đồng còn ngai ngái mùi đất ruộng, bếp của người Diễn Châu đã nổi lửa.

Để cho ra một chiếc bánh ngon đúng chuẩn, khâu chọn gạo là quan trọng nhất. Trước đây, người Diễn Châu thường lấy gạo Vê trồng ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bây giờ, không mấy nhà còn chuộng loại này, thay vào đó, họ dùng gạo tẻ. Gạo phải được ngâm đủ 3 tiếng rồi đem xay nhỏ, sau đó ngâm thêm từ 3 đến 6 tiếng nữa mới đủ "độ chín".

Sau khi nhóm bếp, đun nước, người dân sẽ chắt lấy nước cốt của chậu bột ngâm hôm trước để tráng bánh. Nồi tráng phải có một lớp vải mịn bên trên. Lửa thật to, nước sôi, đầu bếp mới dùng muôi, múc từng vá bột trải mỏng lên trên rồi đậy vung lại, đợi một lúc. Cách làm tương tự bánh cuốn hay bánh ướt.

Tùy theo sự khéo léo mà đầu bếp sẽ quyết định được độ mỏng hay dày của từng chiếc bánh. Những miếng bánh chín nhờ sức nóng của hơi nước được kéo ra, rồi ngay lập tức, người ta sẽ cuộn tròn và xếp vào cái thúng đã lót sẵn lá chuối.

Bánh mướt - đặc sản ít người biết khi đến Nghệ An

Xáo lòng là thứ được dùng kèm bánh mướt phổ biến nhất

Người ta có thể dùng bánh mướt chấm với nước mắm vắt chanh. Nhiều nơi còn làm thêm nham từ rau nhút hoặc củ chuối để ăn kèm. Sang hơn một chút, bạn có thể dùng bánh mướt với thịt vịt, gà, bò hầm hoặc xáo lòng (nội tạng heo như tim, gan, lòng, cật, dạ dày và dồi, huyết).

Muốn làm xáo ngon, các nguyên liệu mua về phải còn tươi. Sau khi sơ chế, tất cả được đảo cho săn lại trên chảo dầu đã phi hành thơm từ trước, thêm các loại gia vị cho vừa miệng. Bước cuối cùng là đổ thêm nước vào, đợi đến khi sôi lại là có thể dùng được.

Bánh mướt thường có độ dài bắng ngón tay trỏ, trắng và mềm, không dính vì đã được phết lớp dầu lúc cuốn. Đĩa bánh mang ra khi còn nóng sẽ dậy mùi rất thơm.

Khi thưởng thức, bạn có thể gắp từng miếng bánh chấm vào chén nước mắm rồi chậm rãi đưa vào miệng, húp thêm miếng xáo lòng là đủ vị đậm đà.

Bánh mướt - đặc sản ít người biết khi đến Nghệ An

Bạn có thể gọi thêm chả để ăn kèm với bánh mướt

Hiện nay, nhiều quán phục vụ kèm rổ rau sống để ăn kèm. Nhiều nơi còn bán thêm chả để tăng hương vị. Dù cách ăn thế nào, bánh mướt vẫn là món truyền thống, dân dã và đặc trưng của hồn quê xứ Nghệ mà nếu có dịp ghé chân, bạn nhất định không thể bỏ qua.

Dulichkhapnoi.vn

Tag:

Viết bình luận:

Các món ăn ngon ở Nghệ An