Mùa dệt ở Bản La Chí

02/11/2015

Tháng 10, khi những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp ở Bản Phùng được thu hoạch xong, các bà, các chị lại chuẩn bị bông, chàm, khung cửi để dệt những bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình.


Phụ nữ La Chí xe bông thành những thỏi dài khoảng 30cm, sau đó xe thành sợi để dệt. Phía xa bên dưới là ruộng bậc thang Bản Phùng - một trong những ruộng bậc thang đẹp nhất Hoàng Su Phì, Hà Giang

Bản Phùng - một xã biên giới của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang - được mệnh danh là đất tổ của người dân tộc La Chí. Người La Chí có dân số hơn 10.000 người, thường cư trú trên núi cao gần 2.000m, sinh sống bằng nghề chăn nuôi, canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang.

Tương truyền chính ông tổ của người La Chí là Hoàng Vần Thùng đã truyền lại nghề dệt cho con cháu. Hầu hết phụ nữ La Chí đều biết dệt vải, họ không mua vải từ các dân tộc khác về may bộ quần áo của mình, họ cũng không dùng tới máy khâu. Từ nhỏ họ đã được dạy rằng nếu không tự may được một bộ quần áo sẽ chẳng lấy được chồng, tay nghề dệt được coi như thước đo đánh giá phẩm chất của phụ nữ La Chí. Những bộ váy áo được làm tỉ mỉ, chỉn chu, màu sắc giản dị như chính con người nơi đây.

Mùa dệt năm nay, các em bé ngoài giờ học trên lớp cũng được các bà, các mẹ dạy cách dệt vải. Có em đã tự thêu được chiếc mũ xinh xắn của mình để chuẩn bị đón mùa đông lạnh giá trên vùng cao nguyên này.


Phơi sợi vải


Khoảnh khắc vui đùa trong lúc làm bông của các thiếu nữ La Chí


Người phụ nữ dùng tay kéo bánh xe quay vải


Vải sau khi dệt được nhúng chàm để tạo màu, sau đó phơi trên những chiếc sào tre bên hiên nhà


Các bé gái La Chí thường đội mũ vải truyền thống tới trường


Cụ già trong làng đi kiểm tra chất lượng sợi

ĐỖ VĂN HÙNG
Theo tuoitre.vn

Tag:

Viết bình luận:

Hà Giang